Phong tục đặt tên con của người Giáy ở Lào Cai
Lễ đặt tên cho con của người Giáy thường được tổ chức khi trẻ đã đầy tháng (nếu là con đầu lòng) hoặc chỉ ba ngày sau khi trẻ ra đời (nếu là con thứ).
Dân tộc Giáy không quá "trọng nam, khinh nữ", không phân biệt đối xử giữa trẻ trai hay trẻ gái, nhưng là con đầu lòng thì lễ đặt tên thường được tổ chức long trọng hơn đối với con thứ.
Lễ vật gồm có thịt lợn, thịt gà, vịt, hương, hoa, rượu đỏ, một bát gạo và một quả trứng gà sống. Sau khi nấu nướng xong thức ăn và sắp xong lễ vật, trước sự chứng kiến của họ hàng nội ngoại, nghi lễ đặt tên cho trẻ chính thức bắt đầu. Đứa trẻ được ông bà nội hay bác gái bế ra vái trước bàn thờ để trình diện tổ tiên. Khi cúng xong, mọi người đang ăn uống thì chủ nhà chuẩn bị sẵn một khay rượu màu đỏ gồm có 8 chén, một bát to đựng gạo và một quả trứng gà sống đặt trên bát gạo (đầu nhỏ quả trứng ở phía trên), thắp một nén hương rồi bê đến mâm ông nội hoặc cụ ông cao tuổi nhất ngồi để xin đặt tên cho cháu. Ông nội sẽ bốc một nhúm gạo trong bát, nói tên muốn đặt cho trẻ, hỏi chủ nhà và họ hàng nội, ngoại xem có đồng ý không rồi thả nhúm gạo xuống đầu quả trứng. Gạo đậu ở đầu nhỏ quả trứng nhiều thì đồng nghĩa với việc sẽ lấy tên đó đặt cho đứa trẻ. Nếu gạo đậu ít thì sẽ lần lượt chuyển đến cho người khác, mâm khác làm thủ tục đặt tên tương tự. Tên nào hay, được họ hàng đồng ý và gạo đậu trên quả trứng nhiều sẽ được chọn để đặt cho trẻ. Khi đó, mọi người trong mâm nhận rượu đỏ uống và tặng cho trẻ những món quà cùng lời chúc may mắn. Quà cho trẻ có thể là chiếc địu, đôi vòng tay, đồng bạc trắng hoặc tiền mặt, quà bánh... thể hiện sự quan tâm của họ hàng, anh em, hàng xóm tới cháu nhỏ. Cuối cùng, mâm lễ vật được đặt lên bàn thờ tổ tiên để tổ tiên chứng giám cho đứa trẻ từ nay đã có tên gọi theo đúng nguyện vọng của họ hàng nội, ngoại.
Nghi lễ đặt tên cho con của người Giáy chứa đựng nhiều ý nghĩa thiêng liêng chứ không chỉ là một thủ tục đặt tên gọi cho trẻ bình thường. Khi đứa trẻ đã có tên gọi, nếu là cháu đầu tiên trong họ thì tên của ông bà nội, ngoại và tên của bố mẹ đứa trẻ từ giây phút ấy được gọi theo tên của trẻ. Người Giáy lấy việc được gọi theo tên con, cháu là một niềm tự hào, nên nếu có ai vô tình hay cố ý mà gọi theo tên cũ thì coi như đó là sự xúc phạm. Việc đặt tên cho trẻ phải là do ông bà nội, ngoại hoặc người cao tuổi bên họ nội đặt chứ không phải bố, mẹ đứa trẻ thể hiện sự chuyển giao nối tiếp thế hệ già - trẻ, nền nếp và trật tự trong dòng tộc.
Nghi lễ bế trẻ trình diện tổ tiên chính là sự ra mắt một thế hệ mới và hướng về nguồn cội cha ông. Tên của trẻ cũng không chỉ có ý nghĩa phân biệt người với người mà còn mang trong đó bao hi vọng vào tương lai của thế hệ kế cận và của chính đứa trẻ sau này. Được lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự quan tâm của họ hàng, cộng đồng như thế, trẻ sẽ hiểu được những giá trị quý báu của tình cảm gia đình, tình cảm làng xóm để sau này biết giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc mình, lưu truyền đến các thế hệ tiếp theo.
Lễ đặt tên con của người Giáy đã có từ rất lâu đời, tồn tại qua nhiều thế hệ và đến nay vẫn giữ được bản sắc riêng cũng như những ý nghĩa thiêng liêng vốn có. Đây là một phong tục đẹp góp phần làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa phong tục của dân tộc Giáy nói riêng và cộng đồng người Việt