Non nước Việt Nam

Sẵn sàng cho ngày khai mạc lễ hội Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

Cập nhật: 31/03/2011 15:10:07
Số lần đọc: 2916
Đến hẹn lại lên, từ ngày mùng 6 đến 8/3 âm lịch (tức ngày 8 đến 10/4/2011), du khách gần xa lại nô nức về trẩy hội Trường Yên để thắp nén hương thơm tưởng nhớ công dựng nước và giữ nước của Đức Đinh Tiên Hoàng đế và vua Lê Đại Hành.
Sắp đến ngày khai hội, không gian văn hoá lễ hội đã tràn ngập khắp nơi trên mảnh đất Cố đô.
 
Hào hứng, phấn chấn hướng về ngày khai hội, cụ Phạm Văn Khang (80 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trường Yên) vẫn còn giữ vẹn nguyên cảm xúc như ngày đầu cách đây 30 năm được tham gia vào đội tế lễ của xã Trường Yên để báo công với tổ tiên tại đền thờ Vua Đinh, Vua Lê. Cụ Khang cho biết: Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư có ý nghĩa đặc biệt với các thế hệ cháu con. Là người chuyên viết tấu đối cho lễ hội nhiều năm, tôi cảm nhận được sự linh thiêng của ngày hội. Để con cháu nhớ tới cội nguồn dân tộc, hằng năm con cháu họ Đinh, Lê đều tổ chức tế lễ báo công ơn với 2 vị anh hùng dân tộc.
 
Cùng tâm trạng náo nức hướng về ngày hội như cụ Khang, người dân xã Trường Yên đang tích cực tập luyện, huy động mọi nguồn lực và điều kiện tốt nhất để đảm bảo lễ rước nước sáng mùng 6/3 âm lịch diễn ra an toàn, trang trọng, đảm bảo thời gian quy định. Đồng chí Nguyễn Thế Vịnh, Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Đã nhiều năm đảm nhiệm công tác chuẩn bị cho phần lễ rước nước và đảm bảo an ninh trật tự trong những ngày lễ hội diễn ra nên Trường Yên luôn quan tâm chuẩn bị chu đáo. Năm nay, xã Trường Yên huy động khoảng 1.000 người tham gia vào phần lễ rước nước, bao gồm 9 kiệu, các đoàn tế của 16 thôn, xóm, lực lượng học sinh tham gia cầm cờ, bóng bay... Hiện các đội múa Rồng và đội khiêng kiệu đang tập luyện cho ngày khai hội. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Công an huyện đề ra phương án đảm bảo an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội, để lại ấn tượng tốt về nếp sống văn minh đối với mỗi du khách khi có dịp đến với Ninh Bình...
 
Theo kế hoạch, lễ hội năm nay được tổ chức theo đúng các nghi lễ truyền thống như: Lễ mở cửa đền, lễ dâng hương, lễ rước nước, lễ rước kiệu, lễ khai mạc và tế lễ cổ truyền. Phần hội với các trò chơi dân gian như biểu diễn múa rồng, thi cắm trại, thi mâm ngũ quả tiến vua, thi cờ người, thi thư pháp, thi chọi gà, thi múa kiếm, dao găm, võ tay không đồng đội nữ, thi đấu bóng chuyền giải truyền thống Cố đô Hoa Lư, thi đấu vật dân tộc, chương trình ca múa nhạc dân tộc, triển lãm ảnh nghệ thuật... Đặc biệt, năm nay, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tổ chức chương trình hội ngộ "Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 22".
 
Chương trình cho lễ khai mạc năm nay được chuẩn bị khá chu đáo từ việc dàn dựng sân khấu, lễ đài tại sân lễ hội, trang trí cổng Cố đô Hoa Lư tại ngã 3 cầu huyện, trang trí khánh tiết tuyên truyền 1043 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và quảng bá du lịch Cố đô Hoa Lư. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền cho ngày diễn ra lễ hội tại khu vực xã Trường Yên, ngã ba Cầu Huyện, ngã ba Bà Lốc để du khách thập phương tìm hiểu. Tại các điểm: đền Vua Đinh, đền Vua Lê, nhà bia Lý Thái Tổ, bãi hội, hồ bán nguyệt, sân hội, núi Lăng, núi Cột Cờ, động Thiên Tôn, Cầu Huyện…, Ban tổ chức giao cho Ban quản lý di tích Đinh Lê cắm cờ hội, cờ Tổ quốc cỡ lớn. Đồng thời tổ chức cắm cờ Tổ quốc, cờ hội tuyên truyền tại các Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch Tràng An để quảng bá lễ hội. 
 
Năm nay, thay tiết mục thả 2 con rồng kết bóng bay bay lên trời, Ban tổ chức lễ hội chọn thả 1.043 quả bóng bay biểu trưng cho 1.043 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập ra Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của nước ta. Điểm mới của lễ hội năm nay là việc tổ chức đại lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng cầu cho quốc thái dân an.
 
Hiện nay, huyện Hoa Lư đã sẵn sàng cho ngày khai hội. Trên các nẻo đường vào Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư luôn sáng đèn với rất nhiều cờ, băng zôn, biểu ngữ chào đón du khách bốn phương về với lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư.
Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT