Non nước Việt Nam

Phong tục thờ cúng tổ tiên: Sự kết tinh truyền thống, bản sắc độc đáo của dân tộc

Cập nhật: 14/04/2011 15:51:02
Số lần đọc: 2930
Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có từ rất lâu đời. Đó là một phong tục đẹp, giàu bản sắc, có tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Tự bản thân phong tục thờ cúng tổ tiên đã mang trong nó những giá trị văn hóa nhân bản.

Chính vì lẽ đó mà người Việt Nam có thể chấp nhận nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng phong tục tốt đẹp này được tồn tại và chấp nhận như một lẽ đương nhiên của cộng đồng mà không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng. Chúng ta coi việc thờ cúng tổ tiên cũng chính là việc cầu xin ông bà phù hộ cho gia đình, dòng họ; cho sự trường tồn của quốc gia, cho “quốc thái dân an”. Pháp luật thừa nhận quyền tự do tín ngưỡng của công dân; việc thờ cúng tổ tiên là tự nguyện, không hề có sự áp đặt.  

Thờ cúng tổ tiên còn là hình thức tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Thờ cúng tổ tiên, ông bà là tín ngưỡng gốc xuyên suốt quá trình lịch sử Việt Nam, nó là sợi dây liên kết để góp phần cột chặt tính thống nhất toàn dân tộc và cũng là cội nguồn của các phong tục, tín ngưỡng khác. Vai trò tổ chức liên kết cộng đồng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn rõ hơn khi ta xem xét vấn đề thờ quốc Tổ. Cả cộng đồng cư dân Việt Nam được củng cố bởi đức tin chung một cội nguồn. Tất cả là “đồng bào”, đều là “con Lạc cháu Hồng”. Đây chính là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc ta vững vàng trước mọi sự đe dọa của thiên tai và giặc ngoại xâm.


Với người Việt Nam tự bao đời nay, ngày giỗ Tổ Hùng Vương là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc. Từ truyền thuyết bào thai trăm trứng đến sự tích Hùng Vương, tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên là một hành vi văn hóa, ý thức đạo đức và bổn phận của mỗi người. Từ trong gia đình đến gia tộc, hàng xóm láng giềng rồi mở rộng ra cả nước với quan niệm: Cùng chung dòng máu Tiên Rồng, cùng là con cháu Lạc Hồng, nên người Việt luôn sống với nhau có nghĩa có tình, có thủy có chung, có trên có dưới, có xóm có làng, có sau có trước, có nước có nhà, có tổ có tông. Đó là điều cốt lõi làm nên giá trị vĩnh hằng của văn hóa cộng đồng Việt Nam, làm nên sức mạnh cố kết cộng đồng, đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành nòi giống; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước. Đó là ngày giỗ trọng của người Việt Nam.

 

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

 

Câu ca dao này là sự nhắc nhở tự giác về ý thức cội nguồn dân tộc, để mỗi con cháu Lạc Hồng, dù ở đâu, đi đâu, về đâu cũng phải nhớ ngày giỗ Tổ mà tĩnh tâm, lắng lòng về chốn cố hương.


Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Từ thời phong kiến đến ngày nay, hằng năm, giỗ Tổ Hùng Vương đều được tổ chức với nghi lễ trang trọng.

 

Thể theo nhu cầu và nguyện vọng của đồng bào cả nước và theo sự phát triển của xã hội, Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng được tổ chức quy mô lớn hơn. Cùng với phần lễ Tổ tôn nghiêm, thành kính, theo đúng phong tục thờ cúng tổ tiên, các hoạt động hội tạo không khí vui vẻ, phấn khởi cho muôn dân. Cả phần lễ và phần hội đều mang đậm chất dân gian và được tiến hành trên tinh thần tự giác, tự quản của cộng đồng, có sự tạo điều kiện của nhà nước, các tổ chức xã hội, người hảo tâm. Vai trò của Nhà nước và các tổ chức xã hội là một bảo đảm để giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng diễn ra an toàn và đúng tính chất vốn có của nó, không rơi vào các biến thái của mê tín dị doan, thương mại hóa, phàm tục hóa… theo ý chí chủ quan của một bộ phận thành phần xã hội. Các nghi thức thờ cúng tổ tiên truyền thống ngày càng được khôi phục, duy trì và nâng cao trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Các hình thức hoạt động diễn xướng, trò chơi dân gian được phục dựng nguyên bản giúp đồng bào về dự Hội Đền Hùng được trở lại không gian văn hóa thời Hùng Vương. Lễ rước kiệu, hội thi hát Xoan của cư dân quanh vùng Nghĩa Lĩnh được khôi phục, làm cho giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng ngày càng gắn với tín ngưỡng và không gian truyền thống.


Với đặc trưng “của dân, do dân, vì dân”, sự tham gia của Nhà nước trong việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hoàn toàn không phải là sự can thiệp để làm mất đi tính chất dân gian, tính cộng đồng có nền tảng từ văn hóa làng xã; mà để tạo điều kiện nâng cao tầm giá trị văn hóa, đạo đức trong phạm vi quốc gia, dân tộc và thể hiện sâu sắc tính liên tục của quá trình dựng nước và giữ nước; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 

Kế thừa và phát huy tinh thần đó, năm Tân Mão – 2011 này, giỗ Tổ Hùng Vương do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức với sự tham gia của các tỉnh: Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi và Đồng Tháp đại diện cho ba miền: Bắc, Trung, Nam. Các hoạt động lễ hội Đền Hùng năm nay được diễn ra trong một không gian mở rộng từ Đền Hùng về đến Ngã ba Hạc thành phố Việt Trì và các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh với một số hoạt động trọng tâm như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; tổ chức rước kiệu từ các xã vùng ven di tích về Đền Hùng; tổ chức đánh trống đồng, múa sư tử và hát Xoan của các phường Xoan cổ trong tỉnh; tổ chức triển lãm các hiện vật cung tiến Đền Hùng với chủ đề "Tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế với Đền Hùng"; tổ chức Lễ hội Chè với chủ đề "Sắc hương Chè đất Tổ" của các doanh nghiệp trong tỉnh; tổ chức giao lưu dân ca và trình diễn trang phục các dân tộc, tổ chức Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy của một số tỉnh, thành phố; tổ chức biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hoạt động thể thao: Bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc và bắn nỏ của 13 huyện, thị, thành trong tỉnh; tổ chức hội thi bơi chải...

 

Nét mới của giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Tân Mão - 2011 tập trung chủ yếu vào các hoạt động phần lễ. Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương của tỉnh tổ chức Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Đức Quốc Mẫu Âu Cơ trong Khu di tích Lịch sử Đền Hùng với những nghi thức trọng thể và truyền thống, trong đó tại Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tổ chức nghi thức tế cổ truyền. Các hoạt động này cùng với Hội thảo quốc tế "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" với hơn 100 nhà khoa học quốc tế và trong nước tham dự; phục dựng lại lễ hội truyền thuyết rước Vua Hùng về làng ăn Tết; tổ chức Liên hoan tiếng hát Làng Xoan là những hoạt động chủ yếu phục vụ công tác xây dựng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và hồ sơ "Hát Xoan Phú Thọ" đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự kết tinh và phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Những giá trị ấy góp phần bồi đắp lòng yêu nước thương nòi, đạo lý uống nước nhớ nguồn, có trước có sau; xây dựng đời sống tinh thần phong phú trong thời đại mới. Không gì khác, chính từ những giá trị đó đã làm nên sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam trước bao biến cố của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Nguồn: Báo Hải Phòng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT