Non nước Việt Nam

Tục đổi tên mới của người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái)

Cập nhật: 15/04/2011 10:53:32
Số lần đọc: 2337
Ở Yên Bái, người Mông sống tập trung nhiều ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và huyện Văn Chấn... Ngày xưa, người mông thường sống di cư ở các khu vực núi cao, phá rừng làm nương rẫy, khí đất đai căn cỗi, họ phá nhà, bỏ bản để di cư tới vùng núi sâu hơn để tìm vùng đất màu mỡ mà gieo hạt.

Ngày nay, dưới ánh sáng của Đảng, bản làng người Mông đã được định cư, họ khai phá ruộng bậc thang và làm quen dần với lúa nước. Lên bản người Mông giờ đây không còn phải cuốc bộ và tính thời gian như ngày xưa nữa. Đường giao thông được mở rộng hơn, xe máy lên đến tận bản, tối tối ngọn đèn dầu leo lắt đã được thay bằng ánh điện quốc gia, thôn bản nhộn nhịp tiếng ti vi, đài quay băng vang vọng vào núi rừng.

Cuộc sống của người Mông chưa bao giờ đổi thay được như thế. Các hủ tục lạc hậu xưa dần được thay bằng những nét văn hóa mới nhưng không vì thế mà người Mông xóa bỏ những tinh hoa của dân tộc mình. Họ vẫn còn lưu giữ được bản sắc văn hóa riêng biệt. Trong đời sống tinh thần của người Mông, họ tin vào những điều tốt lành, những điều linh thiêng mà tổ tiên để lại. Cũng như các dân tộc khác, người Mông đến tuổi trưởng thành được cha mẹ làm lễ đặt tên mới và công nhận là người trưởng thành, từ đó mới được lấy vợ và sinh con đẻ cái.

Ở Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải. Người Mông chọn ngọn núi cao nhô lên ngay trước bản Lìm để tiến hành cho các buổi lễ mang tính tâm linh vì ngọn núi này tọa lạc ngay đầu bản, người Mông cho nó là cao nhất, đứng trên đỉnh ngọn núi người ta có thể phóng tầm mắt nhìn ra cả xã, những bản khác có nằm trên núi cao hơn khi đến đó vẫn phải leo ngược dốc mới lên được đến đỉnh. Trên ngọn núi có một phiến đá to, người Mông coi nó như cha, mẹ nuôi của mình. Nơi đây thường diễn ra lễ cầu cho những người tình duyên lận đận, số phận không gặp nhiều may mắn và cầu cho cuộc sống được suôn sẻ, nhất là đặt tên mới cho con cái mình phải được đến đó để nhận cha mẹ nuôi mong khi trưởng thành người con sẽ thành đạt trong cuộc sống, xua đi ma tà để con người được khỏe mạnh không bị bệnh tật đeo đuổi.

Lễ thay tên mới ( Chus khuas) thường được chọn làm vào buổi sáng những ngày cuối tháng 11, 12 dương lịch, khi mặt trời đã nhô lên khỏi ngọn núi. Người Mông đến trước phiến đá linh thiêng, lễ vật gồm có:

- Một con gà trống tơ.
- 3 chén rượu
- 3 chén nước
- 6 nén hương
- 3 tờ giấy (Giấy bản người dân tự làm, được cắt thành tiền).
- Gạo, muối
- Sợi lanh ( Sợi lanh để se buộc vào cổ )

Tất cả được mang đến tận chân phiến đá mới được chế biến.

Ông mo cắt tiết cho tiết gà và dùng nó quết vào hòn đá, quết vào tờ giấy tiền và hòa vào rượu. Khi chuẩn bị song đồ lễ vật. Ông mo cúng cha mẹ và người được đặt tên phải đứng hai bên để khấn. “ Con là…… được cha mẹ sinh ra và nuôi cho khôn lớn, giờ đây đã đến tuổi trưởng thành. Hôm nay đến đây xin được đặt tên mới, con có cơm có rượu thịt mới cha nuôi nhận, chứng giám cho con hôm nay được đặt tên mới, mong cha nuôi xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều không may mắn để cuộc sống sau này con được bình yên hòa thuận, làm ăn phát đạt… ”

Tiếp theo ông mo cùng với chàng trai mỗi người một đầu cùng se sợi lanh cho xoắn vào nhau cho thật chắc để buộc vào cổ chàng trai làm bùa hộ mệnh, phần thừa còn lại được cắt ra và dấu vào trong khe đá(Gửi cha nuôi chứng kiến và giữ hộ). Đây là bằng chứng nó chứng tỏ người thanh niên kia đã được làm lễ đổi tên mới tại đây. Chàng trai mổ gà nấu cơm và cúng “ Trước khi giao cho bố nuôi con gà còn sống, giờ đã được con nấu chín mời bố uống rượu, ăn đầu gà chân gà, cổ cánh và ăn cơm chứng giám cho lòng thành của con…”

Kết thúc phần lễ, tất cả dọn cơm ăn ngay cạnh phiến đá ( Tục ăn với cha nuôi bữa cơm đầu tiên) bữa cơm của người trưởng thành, từ nay đã thành người lớn…

Cái tết đầu tiên của người trưởng thành kể từ khi được đổi tên mới, chàng trai phải đi lễ tết cha nuôi ( Congv tsa ) Lễ vật lần này gồm:

- Hương: 12 nén
- Giấy 4 tờ ( Cắt thành tiền)
- Một con lợn nhỏ
- Gạo, muối

Buổi lễ tết được diễn ra ngay ngày đầu năm mới. Mọi người mổ lợn cúng chúc tết cha nuôi với và cảm ơn cha nuôi, cầu cho cuộc sống tâm linh của chàng trai và gia đình mạnh khỏe…

Từ khi được mang tên mới chàng trai phải hai lần về chúc tết và cảm ơn cha nuôi, thì mới hết nghĩa vụ của một người trưởng thành. Từ đó trở đi mọi người trưởng thành sẽ được bình an trong cuộc sống. Cha nuôi sẽ xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều không may mắn để cuộc sống sau này con được cuộc sống tươi đẹp hạnh phúc.

Đây là một nghi lễ quan trọng mà ở đây nó không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mỗi người mông nơi đây. Ngoài thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc, tục đặt tên mới của dân tộc Mông còn thể hiện được đạo lý làm người, hướng tới cái thiện, hướng tới cội nguồn tổ tiên.

Nguồn: website Cuộc sống việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT