Lào Cai xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đậm bản sắc dân tộc
“Một ngày làm cô dâu người HMông”
Ở Sa Pa và Bắc Hà (Lào Cai) đang xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch với tên gọi “1 ngày làm cô dâu người HMông”, “1 ngày làm nông dân người Dao”, thi nấu rượu, thi dệt thổ cẩm với du khách… Dù mới nhưng những sản phẩm du lịch này đã thu hút rất đông du khách quốc tế.
Nhờ có du lịch ở các bản làng phát triển đã khơi dậy các ngành nghề thủ công. Nhiều sản phẩm nghề thủ công có giá trị truyền thống của người HMông (dệt thổ cẩm), người Dao (thuốc tắm), người Tày ở Lào Cai đã được bán trên phạm vi toàn quốc, được xuất khẩu đi Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản... và trở thành đồ lưu niệm không thể thiếu cho khách du lịch.
Lào Cai cũng như một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Bắc có đông thành phần các dân tộc, cảnh quan tự nhiên ở các tỉnh thực sự là tài nguyên du lịch phong phú. Vì vậy, Lào Cai xây dựng chiến lược phát triển theo hướng bền vững với các cơ chế chính sách phát triển mạnh du lịch cộng đồng, đẩy nhanh liên kết tạo các tour, tuyến du lịch hấp dẫn. Từ mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở Bản Dền (Sa Pa), đến nay Lào Cai đã phát triển mạnh du lịch cộng đồng sang các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát.
Ở các điểm du lịch cộng đồng, người dân tộc thiểu số, dân cư bản địa đã thực sự chủ động tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng (khôi phục nghề thủ công và làm đồ lưu niệm, tu sửa nhà thành nơi lưu trú, tôn tạo và bảo tồn cảnh quan môi trường giàu bản sắc văn hóa, đoàn kết trong việc phân chia lợi nhuận với các doanh nghiệp).
Các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, viện nghiên cứu cũng đã tham gia, tư vấn, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch ở các địa phương khu vực này cho phù hợp với nhu cầu du khách. Việc xây dựng sản phẩm và quảng bá du lịch cũng được các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động.
Hiện nay, Lào Cai đã phát triển được 12 điểm du lịch cộng đồng. Doanh thu của người dân tham gia du lịch cộng đồng nhiều hộ đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Các hộ có thu nhập ít nhất cũng đạt từ 10- 20 triệu đồng/năm.
Các thôn bản du lịch cộng đồng đã góp phần nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, tỉ lệ giảm nghèo ở các thôn làm du lịch nhanh hơn các thôn bình thường khác trong vùng từ 3- 4 lần. Nhiều điểm du lịch cộng đồng mới được xây dựng đã có hiệu quả cao như ở Tả Van Chư (Bắc Hà), Cát Cát (Sa Pa), Cao Sơn (Mường Khương)...
Tuy nhiên, Lào Cai không phát triển ồ ạt mô hình du lịch cộng đồng mà lấy tính đặc thù, sự khác biệt, bản sắc riêng của từng làng để xây dựng điểm du lịch, khắc phục được tình trạng lên Tây Bắc chỉ cần đi một làng du lịch là có thể biết được hết các làng khác khiến du khách nhàm chán.
Khẳng định thương hiệu Tây Bắc
Lào Cai là tỉnh đầu tiên đưa sáng kiến liên kết du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai- Yên Bái- Phú Thọ dọc sông Hồng. Trong 6 năm thực hiện sự liên kết này, cơ sở vật chất và sự quảng bá du lịch của 3 tỉnh phát triển nhanh chóng.
Lượng khách hằng năm của mỗi tỉnh đều tăng từ 10- 20%. Nhờ liên kết này, 3 tỉnh phía Bắc đã hình thành các tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng, tuyến du lịch tham quan 3 danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải- Sa Pa- Nguyên Dương (Trung Quốc).
Lào Cai đã tăng cường chủ động cùng với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai- Yên Bái- Phú Thọ, Hòa Bình- Sơn La- Điện Biên- Lai Châu- Hà Giang) xây dựng chương trình “Vòng cung Tây Bắc” để kéo dài tour, tuyến du lịch, kéo dài ngày lưu trú của khách và khiến khách du lịch chi nhiều tiền hơn.
Lượng khách quốc tế đến Sa Pa hiện nay đã sang Tam Đường (Phong Thổ- Lai Châu). Tuyến du lịch Sa Pa- Bắc Hà- Sín Mần (Hà Giang) đã hình thành và phát triển, thúc đẩy khách du lịch nối tour từ những điểm du lịch đã nổi tiếng ở Tây Bắc đến những điểm du lịch mới, độc đáo ở Hà Giang, bước đầu đã kéo dài thời gian lưu trú, nối dài được tour tuyến tham quan đáp ứng được nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế.
Nhưng cho đến nay, các thế mạnh và sự đầu tư mạnh mẽ của Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc này vẫn chưa thực sự khai thác hiệu quả và chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Thời gian tới, các tỉnh Tây Bắc sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết quy hoạch phát triển du lịch, khai thác sản phẩm du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược hành động phát triển du lịch…