Thưởng thức đặc sản mực nhảy Vũng Áng – Hà Tĩnh
Trong cầu cảng Vũng Áng trên sóng nước bập bềnh, có hàng chục chiếc bè nổi, mỗi bè có diện tích khoảng vài chục mét vuông, vừa là nơi chế biến, vừa là “bàn tiệc” cho du khách thưởng thức đặc sản. Để xuống bè, du khách phải đi qua những chiếc cầu thang dã chiến khá gập gềnh.
Mực nhảy được thợ câu trong đêm, thả vào khoang thuyền trữ nước biển rồi đem về bán cho các chủ nhà hàng. Mực (cùng với các hải sản khác), được nuôi trong những chiếc lồng bằng lưới dưới lòng cảng. Thực khách vào xem còn thấy mực, tôm cá bơi lội tung tăng, nhảy nhót (vì vậy mới có tên là mực “nhảy”), có thể trực tiếp lựa chọn đưa cho đầu bếp chế biến.
Người dân địa phương còn gọi mực nhảy là mực “nháy”, muốn nhấn mạnh đôi mắt mực còn sống nhấp nháy, hoặc da mực mới vớt lên khỏi nước ánh lên lấp lánh. Dù là mực “nhảy” hay mực “nháy” thì cùng giống nhau ở đặc điểm là mực còn tươi, sống.
Có nhiều cách chế biến mực “nhảy”. Đơn giản nhất là mực để nguyên con, vớt lên cho vào nồi luộc ngay, vớt ra chấm với mù tạt hoặc nước mắm gừng, kẹp lá lốt rất ngọt và thơm, tuy hơi phiền một chút khi chất mực để lại vệt đen nơi miệng.
Cách thứ hai là gỏi mực. Mực được làm sạch, cắt thành miếng, để ráo nước rồi trần qua nước chanh, chấm nước mắm. Món này không có vị tanh, trái lại có vị ngọt, mát. Ngoài ra còn có một số món khác như mực nhồi thịt, chả mực…, nhưng thực khách vẫn ưa chuộng nhất là hai món mực luộc và gỏi mực. Thức uống khá phong phú bao gồm rượu nếp, rượu các loại và bia.
Trưa hè nóng nực nhưng ngồi trên bè hơi nước và gió thổi lồng lộng rất mát, thuyền hơi bồng bềnh, vừa thưởng thức mực nhảy vừa ngắm cảnh sơn thuỷ hữu tình, thật không còn gì thú bằng.
Tuy gọi là đi ăn mực nhảy nhưng bên cạnh mực còn có nhiều loại cá khác nhau, rồi cua, ghẹ, tôm, nhím biển…Tất cả đều rất tươi ngon.