Phong cảnh hữu tình của đình Thác Cấm, Tuyên Quang
Theo sử sách ghi lại, đình Thác Cấm có từ thời Lê Hồng Đức, khoảng từ năm 1460 đến năm 1497, đình có 5 gian, 2 chái, rộng gần 300 m2. Xưa đình thuộc làng Nhân Mục, tổng Mục, huyện Sùng Yên, trấn Tuyên Quang. Đình Thác Cấm được nhân dân lập nên để thờ Thánh Mẫu, Sơn Thần, Thành Hoàng làng và Danh sư có công với dân chúng trong tổng mục. Thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình là cơ sở hội họp quan trọng của nhân dân và chính quyền Việt Minh, là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ, nơi đóng quân của bộ đội và dân công đi chiến dịch và là căn cứ địa an toàn của các cơ quan đầu não thuộc huyện Hàm Yên. Lúc bấy giờ gọi là khu vực Ải, xóm Đồng Đình. Đình Thác Cấm còn là nơi hương hoả đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong dịp lễ hội hàng năm với các hoạt động cộng đồng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Đình có kiến trúc 4 mái đao cong, nóc đình trang trí đôi rồng chầu mặt trời.
Đình Thác Cấm từ khi khởi dựng đến nay đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng ngôi đình vẫn luôn được chăm sóc, tu tạo. Hiện nay, đình còn lưu giữ được nhiều di vật, hiện vật như hoành phi, câu đối, tượng thờ và một số hiện vật có giá trị như: Bức đại tự bằng chữ nho, lư hương và đỉnh trầm. Đôi câu đối bằng chữ nho, được cha ông ta viết nên để răn dạy con cháu và lưu truyền cho muôn đời sau như câu đối: “Cấm than vạn cổ lưu linh thuỷ, Mục đình thiên tải mãn Đông phong”, dịch nghĩa là “Thác Cấm muôn đời dòng thiêng chảy, Đình làng mãi mãi gió xuân tươi”. Do nhiều biến động, năm 1969 ngôi đình bị đổ. Hiểu rõ được ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hoá truyền thống của ngôi đình và nguyện vọng của nhân dân, từ năm 2009 trở lại đây, ngôi đình đã được khôi phục, tôn tạo. Theo quy hoạch, tổng thể khuôn viên đình Thác Cấm, có diện tích 7.000 m2, dự toán thiết kế 175 m2, tổng giá trị công trình trên 3 tỷ đồng.
Đình Thác Cấm mở cửa đón du khách thập phương đến thắp hương, vãn cảnh vào các ngày trong tuần. Đình đông du khách nhất vào các ngày lễ chính như mồng 2 tháng Giêng lễ rước nước, khai bút; ngày 15-16 tháng Giêng lễ Thượng nguyên; ngày 15 và 16 tháng 2. Đặc biệt vào tháng 2 Âm lịch hàng năm đình diễn ra lễ nghênh kiệu Mẫu bày tỏ tấm lòng yêu quê hương đất nước, yêu cội nguồn dân tộc và lòng tôn kính đối với tổ tiên, với những người có công với dân với nước.