Núi Dinh, điểm đến lý tưởng của Vũng Tàu
Núi Dinh cách thị xã Bà Rịa chừng 5 km, về hướng Bắc thuộc huyện Tân Thành. Núi có đỉnh cao hơn 500 mét, rộng khoảng 60 km2 , được xem là một trong những ngọn núi cao, có nhiều cảnh đẹp, chùa, am độc đáo nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ Quốc lộ 51 nhìn vào, núi giống như chú voi khổng lồ nằm phủ phục, đầu quay về hướng biển. Buổi sáng nơi đây thật đẹp, bình yên và vắng lặng. Nắng sớm nhuộm vàng cả vách núi, trông vách núi đẹp tự nhiên. Những chùm đá hoa cương trần trụi, phủ đầy rêu phong, mang dáng dấp, hình thù sống động. Phía bên này là “đôi đá” đứng tựa vào nhau giống như cặp tình nhân lâu ngày gặp lại, còn kia là hòn đá nhỏ “gục đầu” giống như chú bé đang hờn dỗi, xa xa là một cụ già dường như đang trầm tư thế sự… Vào mùa này, giữa quang cảnh núi non hùng vĩ, từng chùm hoa muồng, hoa đào, hoa bò cạp vàng khoe sắc rực rỡ giữa những chòm lá non xanh biếc. Theo người dân bản địa, nơi đây xưa kia là khu rừng nguyên sinh với nhiều loài động thực vật quí hiếm, như: Sao, bằng lăng, cẩm lai, sơn trà, sến, gõ đỏ, hổ, nai, voọc, gấu, khỉ, cầy hương, chồn, hoẵng, sóc… Tên gọi Núi Dinh để tưởng nhớ công ơn của người đã có công khai phá vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu là ông Nguyễn Văn Dinh.
Đến đây, du khách muốn tận hưởng không khí trong lành trên đỉnh núi phải trải qua lộ trình uốn lượn quanh co men theo triền núi. Đối với những du khách mê rừng núi, hay thích “vượt suối trèo đèo” thì đây quả thật là một cuộc khám phá đầy thú vị. Dọc đường lên đỉnh núi, thỉnh thoảng một vài đoạn có dòng suối chắn lối đi, vô tình tạo thành những điểm dừng chân lý tưởng.
Quả là thiếu sót nếu du khách lên núi Dinh mà không ghé qua các địa danh lịch sử như: Hang Tổ, Hang Dây Bí, Hang Mai, Hang Dơi hay Bưng Lùng…để nghe các “bia đá” kể một phần về chiến tích anh hùng của quân và dân Bà Rịa – Vũng Tàu trong hai cuộc kháng chiến đã qua. Đây đó, từng hốc đá, lùm cây hay bờ suối đều lưu dấu các cán bộ, chiến sĩ lập nên những câu chuyện kỳ tích anh hùng. Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 1952, lợi dụng địa hình núi non hiểm trở, Thị ủy Bà Rịa bí mật chuyển căn cứ hoạt động từ rừng Sác, xã Long Sơn về núi Dinh. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, núi Dinh được xem là cụm căn cứ cách mạng quan trọng đào tạo, nuôi giấu hàng ngàn cán bộ phục vụ cho chiến trường Đông Nam bộ. Tại đây, nhiều thế hệ cán bộ đã được học tập, trui rèn và trưởng thành trên con đường đấu tranh cách mạng. Thế nên, giờ đây du khách đến núi Dinh không chỉ tham quan, thưởng ngoạn mà còn là dịp để tưởng niệm các thế hệ đi trước, những người đã làm nên một phần lịch sử vẽ vang cho dân tộc.
Trên đỉnh núi Dinh còn có dòng suối Tiên tuyệt đẹp, uốn lượn quanh rừng cây tạo nên những cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú. Những đoạn suối nhỏ nước chảy róc rách, êm đềm, có đoạn phình to tạo thành hồ nước phẳng lặng trong xanh tận đáy. Dọc theo con suối còn có nhiều thạch bàn tự nhiên, phẳng lì mà dường như tạo hóa muốn ban tặng cho du khách dùng làm điểm để nghĩ chân. Và thật không có gì thú vị bằng ngồi bên suối, nghe tiếng nước chảy róc rách, hòa lẫn với tiếng chim rừng, tiếng kinh, tiếng mõ…của vị sư già khiến cho du khách có cảm giá thư thái, bình an đến kỳ lạ.
Con suối này còn nổi tiếng bởi nhiều truyền thuyết li kỳ. Một trong những câu chuyện vẫn còn được truyền tụng đến tận hôm nay là truyền thuyết “Dấu chân tiên nữ trên đá”. Chuyện kể rằng, xưa kia những nàng tiên trên trời thường rủ nhau xuống dòng suối này tắm mát trước khi đi dạ hội trăng rằm. Trong một lần bị Ngọc Hoàng phát hiện, các tiên nữ vội leo lên mỏm đá vô tình để lại dấu chân thật xinh xắn, đến nay dấu chân vẫn còn in trên đá gọi là dấu chân tiên. Và cũng có lẽ người xưa vì quá yêu cảnh sắc nơi đây nên đã đặt cho dòng suối một cái tên thật đẹp: Suối Tiên.
Giờ đây, sức hấp dẫn của núi Dinh không chỉ là sự cuốn hút của thiên nhiên, lịch sử mà còn có cả nét cổ kính của không gian phật giáo ở nơi này. Bởi nơi đây còn là bản địa “Liên Tông Tịnh độ non bồng” – lâu nay phật tử gọi là chốn bồng lai. Với hơn 100 ngôi chùa nằm quanh núi, trong đó có những ngôi chùa được xây dựng cách đây hơn 300 năm như tổ đình Linh Sơn Cổ Tự, chùa Đại Tòng Lâm, chùa Tây Phương… với hàng chục pho tượng phật đặc sắc, được đánh giá là trung tâm phật giáo lâu đời của vùng miền Đông Nam bộ, thu hút khách du lịch với vẻ đẹp tiềm ẩn và sự linh thiêng vốn có.
Di tích núi Dinh đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1995. Giờ đây, cùng với những tiềm năng du lịch sinh thái sẵn có, trong tương lai ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái lớn đầy triển vọng./.