Đình Kim Ngân- Điểm nhấn mới trong tour tham quan phố cổ
Bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc chi nhánh Công ty Phượng Hoàng cho biết: Du khách quốc tế đến Hà Nội đều muốn tham quan khu phố cổ, được coi là “linh hồn” của Hà Nội ngàn năm, đã được nhắc tới nhiều trong các sách hướng dẫn du lịch. Đặc biệt họ rất muồn tìm hiểu, quan sát các khu phố cổ mà gắn với từng khu phố là những ngành nghề đặc trung với chữ “Hàng…”. Với tốc độ đô thị hoá như hiện nay, nhiều tuyến phố giữ lại nghề cũ còn rất ít. Thường khi đến khu phố cổ Hà Nội, du khách có thể dạo bộ, đi xích lô, đi xe điện. Các tuyến phố mà khách Tây thích đi là Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Đào, Mã Mây, Tạ Hiện… Để giúp du khách có thể tìm hiểu sâu hơn về phố cổ, được sự giúp đỡ của thành phố Toulou (Pháp), Ban quản lý phố cổ đã triển khai trùng tu tôn tạo một số điểm di tích như Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) với nghề buôn bán lụa, Đền Quan đế (28 Hàng Buồm); Nhà cổ 87 Mã Mây. Và mới đây, Ban quản lý phố cổ khánh thành và đưa vào hoạt động đình Kim Ngân, tọa lạc tại 42 phố Hàng Bạc, (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đình Kim Ngân là công trình kiến trúc tín ngưỡng cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê. Đến thời Gia Long được người dân Châu Khê (Hải Dương) mua đất mở rộng đình. Đình Kim Ngân có quy mô khá lớn so với các công trình khác nằm trong khu Phố cổ Hà Nội (575m2). Công trình có kiến trúc cơ bản gồm: Nghi môn, sân, tiền tế hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ “công”, đại đình 3 gian, hậu cung 3 gian được nâng lên trên cao và là hậu cung kép, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt, nối giữa hậu cung và tiền tế là ống muống theo kiểu kiến trúc 2 tầng mái, mái trên liên kết với tiền tế, mái dưới tạo không gian hở của hai bên.
Đình Kim Ngân (hay đình Dưới) do người dân Châu Khê tụ cư tại phố Hàng Bạc khởi dựng để thờ ông Tổ Bách Nghệ - ông Tổ sinh ra toàn nghề chứ không phải thờ người đã mang “đặc ân” nghề nghiệp đến cho dân làng Châu Khê. Nghề vàng bạc của dân làng Châu Khê do cụ Lưu Xuân Tín làm Thượng thư triều Lê Thánh Tông được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc nén cho triều đình, ông mang người làng ra Thăng Long mở phường đúc bạc. Trường đúc bạc ở số nhà 58 Hàng Bạc. Chính vì vậy, các giá trị đích thực mà di tích đình Kim Ngân còn bảo lưu được đó là các giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, tồn tại phát triển của một nghề ở Hà Nội.
Từ năm 2004, Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với các chuyên gia Việt Nam và Pháp nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu, đánh giá thực trạng cũng như xác định các giá trị văn hóa về kiến trúc, tín ngưỡng… của ngôi đình để tìm ra phương án trùng tu, phục hồi nguyên trạng để đạt hiệu quả cao nhất. Thực tế ngôi đình đã bị hư hỏng nặng nên rất khó khăn trong công tác trùng tu.
Đình Kim Ngân là công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu còn lại của khu phố cổ Hà Nội. Sau khi đưa vào hoạt động, đình Kim Ngân không chỉ mở cửa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng mà còn trở thành nơi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về nghề, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội. Ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Hà Nội cho biết: “Đình Kim Ngân được phục dựng cho thấy quyết tâm của thành phố muốn chấn hưng lại những nghề truyền thống, tinh hoa của khu phố cổ. Chúng tôi mong muốn đây sẽ trở thành nơi đào tạo, trình diễn nghề của khu phố cổ, nhất là trong lúc các đình thờ tổ nghề khác khu phố cổ vẫn chưa được trùng tu, nâng cấp. Nằm trên tuyến phố Hàng Bạc, nếu biết phát huy các giá trị truyền thống, các hoạt động trình diễn nghề, văn hóa thì đây sẽ là điểm hấp dẫn du khách.
Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, sau tour tham quan phố cổ bằng xe điện khá thành công. Công ty đang nghiên cứu tour chuyên biệt tìm hiểu về nghề truyền thống trong phố cổ, xem nghệ nhân trình diễn. Tuy nhiên, các điểm trình diễn nghề trong khu phố cổ khá chật hẹp nên khi đình Kim Ngân đi vào hoạt động sẽ là thuận lợi cho trình diễn nghề, giới thiệu nghề với du khách.