Dân dã ẩm thực Bạc Liêu
Bạc Liêu là vùng đất tận cùng của đất nước mới được khai phá từ đầu thế kỉ 18. Trước đó, nơi đây còn hoang vu, sau được người Hoa gốc Triều Châu đến lập thành làng xóm. Người ta vẫn ngâm nga: Bạc Liêu là xứ quê khờ.
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu. Vì thế, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy một số món ăn có cái tên rất lạ ở mảnh đất này.
Bánh củ cải
Loại bánh này có nguồn gốc từ người Hoa, một loại bánh rất thơm ngon và đặc biệt ở đây. Lớp ngoài của nó được làm bằng bột mì pha với bột củ cải trắng nghiền nhuyễn và cán mỏng ra. Nhân bánh gồm tôm khô hoặc tép bạc đất lột vỏ, cùng với ít thịt nạc và vài hạt đậu xanh.
Người ta đặt bánh ra khay, phi hành để ráo mỡ và rải đều lên mặt bánh. Chiếc bánh nhỏ nhắn được chấm với nước mắm pha chanh, đường, tỏi ớt, ăn cùng rau thơm, diếp cá, húng cây, quế… Một món ăn dân dã mà rất đậm đà!
Nhãn
Nói đến trái cây ở Bạc Liêu, người ta nghĩ ngay đến nhãn. Dọc theo dải đất chạy dài ven biển là những vườn nhãn nối tiếp nhau dài hàng chục km. Những vườn nhãn bạt ngàn, tít tắp với màu xanh thăm thẳm. Nhãn Bạc Liêu được trồng ở Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi gọi là nhãn “da bò”. Bởi vì nó có màu da vàng sẫm, trái nhỏ, cơm dày và vỏ rất mỏng.
Chính bởi cái vị ngọt đậm đà thanh mát của nhãn da bò mà du khách không nỡ rời xa. Khi bạn muốn thưởng thức nhãn tại vườn, chủ vườn sẽ cột sẵn những chiếc võng ở gốc cây, thật thú vị khi vừa ăn nhãn vừa được hiu hiu nghe câu vọng cổ ngọt ngào…
Mắm cá trắm
Tháng 10-11 trong năm là mùa thu hoạch cá trắm. Loại cá ở đây tươi ngon, có khi nặng cả 1 kg, được người ta mua về làm mắm. Mắm cá này ngon và béo nhờ chất nhựa từ da cá. Cá trắm tươi làm sạch rửa bằng nước mặn đem lên không để ráo mà phải muối liền từ hạt muối Bạc Liêu mặn mòi quê nhà. Cá muối bỏ vào lu sau 3 tháng dỡ ra chao thính với mật ong.
Mắm cá trắm có nhiều cách chế biến ra món ngon như mắm chưng. Mắm cắt khúc ra cho vào tộ, thêm mỡ, hành xắt nhuyễn hoặc nấu lượt xương chưng với hột vịt, thịt bằm hay có thể thái thịt trộn với gỏi đu đủ ăn tươi... Mắm ở đây làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết, du khách rất thích thú với hương vị của loại mắm này.
Cốn xại, xá bấu
Đây là hai món ăn đặc sản của người Hoa ở Bạc Liêu. Để làm cốn xại (cải muối), người ta lựa loại cải tươi non, cắt thành miếng nhỏ hoặc để nguyên bắp, đem phơi cho đến héo. Sau đó sẽ được trộn với muối hột, đường, rượu và nhất định không thể quên củ riềng. Cốn xại đem đi làm gỏi rất ngon, trộn với củ kiệu, thịt luộc, tôm khô… chấm với nước mắm sẽ dậy lên nhiều hương vị rất đặc trưng.
Xá bấu (củ cải muối) kết hợp với cháo trắng thì thật là tuyệt vời. Chỉ cần rửa sạch, xắt từng cọng rồi phơi khô. Gia vị để trộn đều gồm có đường, ngũ vị hương, rượu. Khi nào đường tan thấm vào cọng xá bấu là ăn được. Những món ăn này được xem là khoái khẩu của rất nhiều người.
Bánh tằm Ngan Dừa
Thị trấn Ngan Dừa nhỏ bé nằm khiêm tốn trên mảnh đất Bạc Liêu nhưng lại nức danh bởi món bánh tằm đã trở thành thương hiệu.
Để có được cọng bánh thơm dẻo, mềm mại trắng phau đòi hỏi người làm phải vô cùng kĩ lưỡng. Nguyên liệu làm bánh đòi hỏi phải là gạo tẻ lúa mùa chính hiệu được sản xuất quanh vùng, ngâm vài đêm rồi mới xay, pha nước muối loãng cùng với bột vào một cái hũ. Sau đó ngâm tiếp hai đêm rồi đánh liên hồi, để nguội lăn tròn bằng trái cam to, cho vào khuôn ép như ép bún.
Bánh tằm Ngan Dừa có hai vị mặn, ngọt tùy theo sở thích của thực khách nên được rất nhiều người ưa thích.
Vẫn còn rất nhiều đặc sản dân dã ở quê hương “Công tử Bạc Liêu” mỡ màng trù phú đang chờ đợi bạn khám phá. Hãy một lần về Bạc Liêu để cảm nhận vị ngon lành từ những món ngon và cảm nhận tâm hồn giản dị của người dân nơi đây bạn nhé!