Hành trang lữ khách

Về miệt cù lao

Cập nhật: 01/06/2011 16:45:17
Số lần đọc: 3015
Thiên nhiên ban tặng cho miệt vườn sông nước Vĩnh Long "đặc sản" là những "khu vườn xinh" mát mẻ. Về miệt cù lao, du khách có thể  "chạy trốn" cái nắng gay gắt ngày hè, hòa vào thiên nhiên xanh bao la, mênh mông xanh giữa bốn bề sông nước.

Sông nước cù lao Minh

 

Cù lao Minh thuộc 4 xã: An Bình, Đồng Phú, Hòa Ninh và Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Tuy chưa đến mùa chôm chôm chín rộ để thỏa sức "du lịch trái cây bụng", nhưng xứ sở cây trái miệt vườn quanh năm xanh mướt cũng thỏa được "cơn khát" của du khách.  

Vườn mận Ngọc Lý đã trở thành "thương hiệu" để du khách tìm đến mỗi khi đến cù lao trù phú này. Nằm vắt vẻo đong đưa trên chiếc võng, ngắm nhìn bầu trời xanh vời vợi qua tán cây, chị Thanh ở TP Hồ Chí Minh đùa với nhóm bạn đi cùng "ta sẽ đánh một giấc ngủ say tít thò lò, cho quên ngày nắng nóng". 

 

Dẫn nhóm sinh viên ngành du lịch đi thực tế tại các điểm du lịch cù lao Minh, chị Hiền, giáo viên, vừa với tay hái trái mận vừa vui vẻ: "Sinh viên rất thích thú khi đến Vĩnh Long. Vườn tược, nhà cửa ở đây thật xinh xắn. Con người thân thiện và hiếu khách đã giúp sinh viên hiểu thêm nhiều về văn hóa, đời sống của người dân. Vào vườn tự hái trái, bơi xuồng khám phá sông nước hay đạp xe len lõi dưới những vườn cây mát rượi... là những trải nghiệm đáng nhớ".

 

Du khách biết đến Vĩnh Long như cái nôi du lịch sinh thái miệt vườn sông nước". Đặc biệt, nhiều đoàn sinh viên thực tập xem đây là điểm đến khám phá, nghiên cứu "xanh". Ngoài các điểm du lịch sinh thái đã quen thuộc, cồn Mêkông Đồng Phú cũng đang thu hút du khách với không gian thoáng đãng, dịch vụ mới lạ như câu cá, tắm sông trên bãi bồi, chơi ca-nô kéo bè chuối, tự lái mô-tô nước... Thời gian lý tưởng để đến cồn Đồng Phú là buổi chiều, khi nắng chiều giác vàng trên dây văng cầu Mỹ Thuận tuyệt đẹp.

 

Đi trong xanh mướt miệt vườn

 

Nói chợ nổi Trà Ôn là "món khai vị" đặc sắc, nên không thể không thưởng thức. Chợ nổi Trà Ôn nằm ngay giữa ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, là chợ nổi cuối cùng trên sông Hậu trước khi đổ ra biển. Cái lạ và độc đáo là ở chỗ, theo anh Mười - một chủ ghe ở Sóc Trăng, chợ nhóm họp cả ngày trên sông và nhóm họp theo con nước. Chợ thường thì đông vào buổi sáng, nhưng tấp nập, nhộn nhịp nhất vẫn là lúc đỉnh triều.

 

Thật tuyệt vời để bắt đầu một ngày mới với tách trà nóng hổi trên mui ghe đầy ắp hàng hóa, dưới những "cây bẹo" lủng lẳng nào dưa hấu, khoai mì, khoai lang, khóm, bưởi, chuối, dừa… Và những câu chuyện lênh đênh cùng nghiệp thương hồ rày đây mai đó… Từ đây, các loại hàng hóa nông sản sẽ theo sông đi khắp đồng bằng, đến tận Cà Mau xa xôi.

 

Cù lao Mây (còn gọi cù lao Lục Sĩ Thành - một chiến sĩ Vệ quốc đoàn hy sinh đầu tiên, anh dũng hy sinh trên vùng đất này trong những năm đánh Pháp) nằm giữa 2 nhánh sông Hậu, đối diện phía Tây Nam chợ Trà Ôn, cách chợ Trà Ôn khoảng 1 km, cách chợ Cần Thơ 16 km theo đường chim bay. Đất đai màu mỡ, trù phú nên từ lâu lắm người dân tứ xứ đã đến khai phá và sinh cơ lập nghiệp.  

Ngày nay, kinh tế vườn thật sự giúp nông dân có cuộc sống sung túc, nhà cửa khang trang hơn. Đường liên xã xe tải nhẹ đã có mặt để chuyên chở nông sản, hàng hóa. Bác Sáu Hiếu, ấp Phú Xuân, chỉ cây nước, đường dây điện trước nhà, nói: "Bây giờ, dân cù lao sướng rồi, hồi trước hổng dám mơ có điện mà bây giờ nước sạch cũng kéo tận nhà. Những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống ngày càng được đáp ứng tốt hơn ở cù lao Mây".

 

Nắng gió cù lao Dài

 

Chúng tôi theo Đường tỉnh 901, phóng xe băng băng qua những cánh đồng lúa như cố chạy thoát khỏi cái nắng những ngày tháng 5 rát bỏng bám riết sau lưng. Xuống phà Quới An - Quới Thiện để qua cù lao Dài (thuộc 2 xã Quới Thiện, Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long), bến phà nhỏ trông hiền lành, nên người đi phà cũng dễ thương, không có sự gấp gáp, chen lấn, hối hả như ở các bến phà khác.

 

Hầu hết người đi chuyến phà là người dân cù lao Dài qua xã đất liền Quới An "đi công chuyện", khám chữa bệnh... "Quới An còn có chợ phiên họp vào ngày thứ ba, với hàng hóa rất phong phú, từ vải vóc, quần áo may sẵn đến thực phẩm khô, vật dụng gia đình... tụi tui thường qua đây mua sắm, như người thành phố đi siêu thị vậy đó" - thím Ba An ở ấp Rạch Sâu, Quới Thiện bảo vậy.

 

Mỗi 30 phút phà mới chạy một chuyến. Ở đây nhịp sống như chỉ chầm chậm trôi. Chiếc phà bồng bềnh lướt trên sóng nước, đủ để những người đàn ông bình thản hút thuốc, những người phụ nữ tụm năm tụm ba nói chuyện rôm rả.

 

Những câu chuyện chợ búa, giá cả lên xuống... cũng bồng bềnh đến khi phà cặp bến. Cù lao Dài đang vào mùa trái cây, mùi sầu riêng thoang thoảng trong gió thơm nồng.

 

Bổ trái sầu riêng cơm vàng hạt lép thơm lựng mời khách, cô Năm Trang, ở ấp Phước Lý (Quới Thiện) xởi lởi: "Bây giờ không còn sợ "trái sầu riêng rớt trúng thì đầu u” nữa rồi. Vì tất cả trái đều được buột dây vào cuống, canh lịch 12-13 tuần từ khi ra hoa đến khi trái lớn hoàn toàn là thu hoạch trúng phóc".

 

Ở đâu cũng bắt gặp không khí mua bán rất vui vẻ, sầu riêng, măng cụt chất đống bày đầy bên đường chờ thương lái chở đi tiêu thụ khắp nơi. Năm nay nông dân rất vui vì trái cây được giá, ai cũng nói "sầu riêng không sầu" bởi với giá 22.000 đồng/kg loại ngon, loại thường 14.000-15.000 đồng/kg, nhà vườn có thể lời khoảng 20 triệu đồng/công. Cù lao Dài còn được biết đến là vùng đất với nhiều loại trái cây đặc sản bòn bon, chôm chôm, xoài...

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục