Tin tức - Sự kiện

Kết nối du lịch đình tổ nghề với làng nghề truyền thống

Cập nhật: 02/06/2011 11:18:32
Số lần đọc: 1768
Việc khôi phục các làng nghề truyền thống là rất cần thiết. Kết nối du lịch đình tổ nghề gắn với làng nghề, đó là một trong những ý tưởng để sợi dây liên kết các làng nghề với khách du lịch ngày càng trở nên chặt chẽ hơn.

Trong cuốn sách mới đây nhất của mình, cuốn sách “Cuộc sống hiện đại và văn hóa cội nguồn”, Giáo sư sử học Phan Khanh đã viết: “Thăng Long thành được Thăng Long chính là nhờ các nghề thủ công bốn phương hợp lại”. Thăng Long là chốn kinh kì, kẻ chợ nên từ xưa đã thu hút đông đảo khách thập phương tới đây làm ăn, buôn bán và định cư. Trải qua thời kì chiến tranh kéo dài, cùng với sự du nhập của rất nhiều nghề mới đã khiến cho các nghề thủ công truyền thống bị mai một. Tất nhiên đình tổ nghề- xưa kia là nơi người dân thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn với tổ nghề cũng bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị rơi vào quên lãng. Bên cạnh đó, chính làng nghề cũng đang gặp phải tình trạng mai một bởi sự du nhập của các nghề mới và nhu cầu mới của người tiêu dùng.

 

Giáo sư Phan Khanh trăn trở: “Các đình thờ các vị tổ nghề còn rất nhiều. Nhưng có một cái khó bởi bản thân các làng nghề ở Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương bắt đầu có sự thay đổi để thích nghi với nhu cầu của xã hội. Các cụ làm nghề nay đến nay cũng đã về với tổ tiên, lớp trẻ thì theo nghề mới. Vì thế, việc kết nối các làng nghề và các nơi thờ tổ nghề ở Hà Nội  là rất cần thiết”.

 

Bài toán kết nối du lịch giữa đình tổ nghề và làng nghề thủ công truyền thống cũng trở nên khó khăn hơn bởi hiện nay việc phục hồi các di tích đình tổ nghề cần phải được xem xét một cách tổng thể. Những di tích đình tổ nghề được coi là dấu tích vật chất của nghề thủ công truyền thống, kèm theo đó là rất nhiều tập quán xã hội có liên quan hiện nay chưa được chú ý. Việc khôi phục bảo vệ các di tích đình tổ nghề là rất cần thiết.

 

Tuy nhiên trong khi thực hành các dự án đó thì việc chuẩn bị về mặt khoa học là hết sức quan trọng. Trước hết là phải đánh giá tất cả các hiện trạng, không chỉ là đánh giá về sự xuống cấp về mặt dấu tích vật chất mà còn phải đánh giá những giá trị văn hóa, những di sản văn hóa phi vật thể gắn bó một cách chặt chẽ với các công trình đó. Có như vậy mới đảm bảo tu sửa, phục hồi vẫn được không gian văn hóa.

 

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý- Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa cho biết: “Chúng ta cần phải phục hồi những yếu tố nguyên gốc của đình tổ nghề, phục hồi lại không gian chứa đựng các yếu tố văn hóa phi vật thể. Vì thế tất cả những câu chuyện này phải căn cứ vào các cơ sở pháp lý. Đó là những quy định của luật Di sản văn hóa và những văn bản dưới luật để hướng dẫn việc tu bổ, phục hồi. Bên cạnh đó cần phải tuân thủ nguyên tắc về bảo toàn văn hóa phi vật thể nói chung cũng như nguyên tắc phục hồi những loại hình cụ thể”.

 

Chính quyền và các cơ quan chức năng chưa thực sự đầu tư khôi phục đình tổ nghề cũng là lí do mà hiện nay du khách tới Hà Nội không biết đến sự tồn tại của nó mà chỉ biết tới những sản phẩm thủ công một cách đơn thuần theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch. Chính vì thế trong việc kết nối du lịch giữa đình tổ nghề với làng nghề không thể thiếu tầm nhìn chiến lược của chính quyền và các cơ quan chức năng về phục hồi, gìn giữ đình tổ nghề và làm sống dậy các nghề truyền thống.

 

Giáo sư Phan Khanh cho biết thêm: “Việc đưa khách du lịch về là rất cần nhưng phải có người ở quê đang làm nghề đó. Mà những người ở quê, vì cuộc sống nên có người đã chuyển sang nghề khác. Vì vậy cần có sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước. Còn đối với Tổng cục Du lịch, cần xây dựng lại các trung tâm của làng nghề, các lễ hội làng nghề...”.

 

Các di sản đều rất cần được giới thiệu và quảng bá. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với các công trình vật chất như các đình, đền, chùa, miếu mạo, đặc biệt những di sản phi vật thể ấy mang tính tâm linh thì khi tiếp cận với du lịch cần phải có những cảnh báo. Một khi du lịch xâm nhập quá vào những hoạt động du lịch ấy sẽ làm thay đổi không gian văn hóa của cộng đồng. Bản thân cộng đồng, đôi khi do nhận thức không đầy đủ thì họ có thể làm sai lệch truyền thống của mình. Đó là điều cần phải nghiên cứu hết sức rõ ràng. Để giải quyết câu chuyện này, những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian những người làm công tác bảo tàng, những người quản lý di tích, những nhà dân tộc học sẽ là những người đưa ra lời khuyên đối với cộng đồng./.

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT