Non nước Việt Nam

Làng Kim Liên của kinh thành Thăng Long xưa

Cập nhật: 02/06/2011 16:29:16
Số lần đọc: 2469
Làng Kim Liên của Kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long (năm 1010), làng Kim Liên đã được lập nên với cái tên dân dã làng Đồng Lầm, thuộc phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long.
Đến năm Kỷ Sửu (1619), vua Lê Thần Tông niêm hiệu Vĩnh Tộ đổi tên Đồng Lầm thành Kim Hoa (Bông hoa vàng). Làng thuộc phường Kim Hoa và Đông Tác thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị đổi tên làng thành làng Kim Liên (Bông sen vàng), vì kỵ húy mẹ Vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa.

Từ đó cho đến nay, sau nhiều lần thay đổi địa dư hành chính, làng vẫn mang tên làng Kim Liên.

Làng Kim Liên xưa nằm ở phía Nam kinh đô Thăng Long và là một trong 36 phường của Kinh đô Thăng Long thời Lê, kéo dài từ đường Lê Duẩn đến đường Tây Sơn bây giờ. Phía Đông giáp làng Vân Hồ có đàn Nam Giao, có hai hồ lớn là hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu ; phía Tây giáp làng Xã Đàn có đàn Xã Tắc; phía Nam giáp làng Đồng Tâm có Đê La Thành, sông Kim Ngưu; phía Bắc giáp phố Khâm Thiên có Đài Thiên Văn.

Theo những bậc cao niên kể lại thì làng Kim Liên trước đây vốn là khu rừng rậm rạp và rộng lớn, nhưng do chấn động địa chất nên sụt xuống thành nhiều ao, hồ, đầm, đầy bùn, xen kẽ các gò đất cao, thấp được bao quanh ba hòn đảo Quán Gió, đảo Câu và đảo Hòa Bình. Có con sông Tô Lịch chạy ngang cánh đồng, bao bọc phía ngoài làng. Dọc làng có các gò Văn Chỉ, gò Đình, gò Miếu, gò Đầm.

Đầu làng, giáp với đường Xã Đàn có quần thể Di tích Lịch sử văn hóa nghệ thuật văn bia, đình, chùa Kim Liên-Trung Tự, có niên hiệu Hồng Thuận thứ hai (năm 1510) với nét nghệ thuật kiến trúc thời nhà Lê. Trong đình, chùa còn lưu giữ nhiều di vật cổ từ thế kỷ 15. Đặc biệt đình Kim Liên (nay ở 148 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa) là một “tứ trấn” - trấn phía Nam của Kinh thành Thăng Long xưa.

Đình còn có tên là đền Kim Liên hoặc đền Cao Sơn (gọi theo tên vị thần được thờ). Đình còn lưu giữ 39 đạo sắc phong của các triều đại và tấm bia đá cao 2,43m, rộng 1,5m ghi khắc công tích của Cao Sơn Đại Vương, một trong bốn vị thần của “Thăng Long tứ trấn” đã có công trấn giữ phía Nam Kinh thành Thăng Long. Bài văn trên bia do Hoàng giáp Lê Tung soạn năm 1510, kể về việc thần Cao Sơn đã âm phù Lê Tương Dực đánh dẹp Lê Uy Mục. Bia đã bị mờ nên được khắc lại vào năm Nhâm Thìn đời Cảnh Hưng (1772).

Xưa kia, dân làng sống thành từng xóm ven các gò đất cao với nghề làm ruộng, thả cá, thả rau muống bè và trồng màu (đồng ruộng của làng xưa nay là các dãy nhà cao tầng của khu tập thể Kim Liên). Làng Kim Liên xưa còn nổi tiếng với nghề thả sen, ướp chè nhờ có đầm nước rộng. Những cô gái Kim Liên một thuở mang hoa sen, hạt sen, trà sen, chè sen, mứt sen đi bán khắp Kinh đô Thăng Long.

Làng còn có nghề nhuộm vải nâu (dân làng thường lấy bùn để “nhấn bùn” cho vải màu nâu ngả sang màu đen, từ hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu), nên làng còn có tên là Đồng Lầm (làng đồng ruộng nhiều bùn). Đây cũng là nét đặc trưng của làng Kim Liên nay - Đồng Lầm xưa, bởi vải Đồng Lầm trước đây rất nổi tiếng. Ca dao cũ có câu:

“Đồng Lầm có vải nâu non

Có hồ cá rộng, có con sông dài”

Vải Đồng Lầm mỏng như voan, được nhuộm từ bùn của cánh đồng làng thành vải nâu non hay nâu sồng, đặc biệt là vải Rồng. Vải Rồng đẹp có tiếng gần xa, sau rồi người ta gọi là vải Đồng Lầm - nghĩa là một vùng đầm nước rộng, nhiều bùn, từ loại bùn đặc biệt, riêng có của vùng đất này đã tạo nên một sản phẩm làm đẹp cho người.

Nhắc đến làng Kim Liên dân làng còn có câu ca:

“Kim Liên xanh vỏ, đỏ lòng

Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau”

Theo các cụ trong làng truyền lại, nghề cắt tóc bắt đầu từ ngày hội làng, có thầy địa lý Tả Ao đến dự. Lý trưởng đã nhờ thầy “xem” cho làng làm thêm nghề. Ông Tả Ao thấy làng có một số người làm nghề cắt tóc liền khuyên mọi người nên phát huy nghề này. Từ đó, làng cắt tóc Kim Liên trở nên nổi tiếng. Các tay kéo, tay dao trai làng Kim Liên rất tài hoa và điêu nghệ, họ từng có tiếng là “Thăng Long đệ nhất kéo,” cắt tóc như múa.

Một thời trước Cách mạnh Tháng Tám 1945, những tay kéo điệu nghệ của làng Kim Liên đi hành nghề khắp phố phường Hà Nội. Trong làng có "bác thợ" Phạm Duy Hào được mệnh danh "cây kéo vàng" với bảy phút hoàn thiện một kiểu tóc nam. Giờ đây, sau nhiều năm mai một, làng bắt đầu khôi phục lại nghề truyền thống của mình và đã có nhiều thanh niên "tầm sư học đạo," bởi thời trang tóc cũng đang ngày một lên ngôi.

Làng Kim Liên còn là nơi sinh ra nhiều nhà văn hóa và nhà cách mạng nổi tiếng như ông Trần Vĩ (sinh năm 1564) đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hoằng Định, đời Vua Lê Kính Tông (năm 1604), làm quan đến Tả Thị lang bộ Lại, kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Hương Quận công, được cử đi sứ sang nhà Minh.

Thời Lê-Trịnh, làng Kim Liên cùng với làng Trung Tự được hưởng “tạo lệ” chuyên trách việc thờ cúng ông Nguyễn Hy Quang (1634-1692), đỗ Tam trường thi Hội khoa Sĩ Vọng, làm quan Thị lang, dạy các thế tử họ Trịnh, được ban tước Hiển Quận Công, sau khi mất được phong Phúc thần.

Đời sau có Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Kha; nhà giáo, đại vương Nguyễn Duy Quang dạy học vua; tiến sĩ quốc sư Nguyễn Hữu Dụng; Nhà cách mạng Đào Gia Lựu, Mai Lập Đôn, cụ Tuất, cụ Phó Nhường (anh Hai đầm sen).

Trong kháng chiến, làng Kim Liên là cơ sở cách mạng của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và của Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Trân, Trần Sâm, Trần Vỹ, Tiến Đức và còn là A.T.K (an toàn khu) của Mặt trận quân sự Hà Nội thời tạm chiếm (1947-1954).

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng Kim Liên xưa tranh, tre, nứa, lá, đồi, gò bao quanh là đầm lầy rộng lớn... giờ thì, làng đã thành phố, nhà cửa mọc san sát, dân cư đông đúc, phố xá nườm nượp người, xe qua. Đường làng xưa nay đã trở thành phố Kim Hoa, chạy song song cùng đường Đào Duy Anh và đường mới Xã Đàn. Những ngõ ngách trong làng cũng đã được bê tông hóa.

Lịch sử làng Kim Liên gắn liền với 6 chữ "canh":

- Năm Canh Tuất (1010) tên đầu tiên của làng là Đồng Lầm.

- Năm Canh Ngọ (1510), vua Lê Tương Dực cho xây lại đền, đình Kim Liên.

- Năm Canh Dần (1770), Thượng thư tiến sỹ Lê Trung thời vua Lê Trung Hưng, niên hiệu Cảnh Hưng thảo bia đặt thờ tại làng Kim Liên.

- Năm Canh Ngọ (1990), Nhà nước và Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận di tích lịch sử đình, đền Kim Liên là một trong "tứ trấn Thăng Long" - Hà Nội.

- Năm Canh Thìn (2000), Nhà nước cho tôn tạo và khánh thành đình Kim Liên.

- Năm Canh Dần (2010), đình tròn 500 năm, làng tròn 1.000 năm cùng với lịch sử Thăng Long-Hà Nội.

Nguồn: quehuongonline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT