Hoạt động của ngành

Nghệ An: Khánh thành khu mộ bà Hoàng Thị Loan

Cập nhật: 07/06/2011 08:51:49
Số lần đọc: 2600
Ngày 3/6/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cùng với nhân dân Nghệ An và du khách thập phương cắt băng khánh thành khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Được khởi công từ tháng 7/2010, khu mộ bà Hoàng Thị Loan (1868-1901) được bảo tồn, tôn tạo có diện tích 65,2 ha với các hạng mục, như cổng đón và cổng kết, mộ cụ Hà Thị Hy (bà nội Hồ Chủ tịch), mộ bà Hoàng Thị Loan cùng hệ thống các chòi nghỉ và bậc thang đá lên xuống.

 

Phần mộ bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời canh cửi vất vả để nuôi chồng, nuôi con thuở sinh thời. Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà.

 

Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hết lòng vì chồng con. Sau khi chồng bà là ông Nguyễn Sinh Sắc đi thi ở Huế, vì túng thiếu tiến bạc nên ngỏ ý mời bà lên kinh giúp ông học tập, bà đã gửi con gái đầu lòng lại Nghệ An và cùng chồng vào Huế. Ở đây bà đã lao động dệt vải vất vả, nuôi sống cả gia đình.

 

Sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, cùng với sự vất vả khó nhọc trước đó, bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh rồi qua đời vào năm 1901. Năm 1922, hài cốt của bà được người con gái cả Nguyễn Thị Thanh đưa về an táng tại vườn nhà ở Làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).

 

Cuối năm 1941, sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã đi khắp quê hương Nam Đàn tìm nơi có phong cảnh đẹp để cải táng hài cốt của mẹ và lựa chọn được một vị trí ở núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ, thuộc làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

 

Vì nhiều lý do, ông Khiêm đã cho đào 9 huyệt mộ trên núi Động Tranh rồi đặt thi hài của mẹ mình ở đó một cách bí mật. Tháng 11/1946, sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Khiêm mới chỉ cho bà con trong họ biết chính xác vị trí ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan. Năm 1983, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã ra nghị quyết về việc xây dựng phần mộ của bà Hoàng Thị Loan.

 

Cùng với cụm di tích Hoàng Trù, Kim Liên, núi Chung, khu mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trong một quần thể di tích lịch sử văn hóa đặc biệt, là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế mỗi khi hành hương về quê Bác.

 

Cuối năm 1941, sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã đi khắp quê hương Nam Đàn tìm nơi có phong cảnh đẹp để cải táng hài cốt của mẹ và lựa chọn được một vị trí ở núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ, thuộc làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.Vì nhiều lý do, ông Khiêm đã cho đào 9 huyệt mộ trên núi Động Tranh rồi đặt thi hài của mẹ mình ở đó một cách bí mật. Tháng 11/1946, sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Khiêm mới chỉ cho bà con trong họ biết chính xác vị trí ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan. Năm 1983, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã ra nghị quyết về việc xây dựng phần mộ của bà Hoàng Thị Loan.

 

Cùng với cụm di tích Hoàng Trù, Kim Liên, núi Chung, khu mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trong một quần thể di tích lịch sử văn hóa đặc biệt, là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế mỗi khi hành hương về quê Bác.

Nguồn: website Vnexpress

Cùng chuyên mục