Ngũ Hành Sơn với những sản phẩm mới về du lịch
Nét mới đầu tiên là tại Khu Công viên vườn tượng ở phía Nam ngọn Thủy Sơn rộng đến mấy ngàn mét vuông với hàng trăm công trình điêu khắc đầy ấn tượng. Những chiếc cổng đá, những ngôi nhà cổ, những tòa non bộ hài hòa với các bức tượng, vườn hoa-cây cảnh, làm cho du khách mới tới đây đã thấy hấp dẫn vô cùng! Những người đến lần đầu đều háo hức xem bức tượng 12 con giáp và thích thú, trầm trồ khâm phục những đường nét tinh xảo trên các con thú bằng đá được các nghệ nhân tạc giống y như thật!
Các lối lên xuống đã được cải tạo, nâng cấp, cách một khoảng lại có vài chiếc ghế đá cho khách ngồi nghỉ, từ chân núi đi lên đến đỉnh Thủy Sơn chỉ thấy một cảnh quan xanh tươi, sạch đẹp và nụ cười thân thiện của các nhân viên phục vụ. Nói về điều này, ông Lê Quang Tươi - Trưởng Ban quản lý Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn khẳng định: Đây cũng là một sản phẩm mới tạo ra từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng nhằm thực hiện chương trình “Có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” của thành phố.
Đoạn đường từ hang Gió Tây qua hang Gió Đông những năm trước đây chỉ có một lối nhỏ ngoằn nghèo, bây giờ đã được xây dựng khang trang chạy giữa những hàng cây xanh tốt. Hàng trăm du khách ung dung ngồi nghỉ, rôm rả chuyện trò và tận hưởng những làn gió biển mát rượi. Cái không gian thoáng đãng, yên bình như làm tan đi nỗi mệt nhọc của mọi người sau một quãng đường leo núi. Từ đây, du khách đi lên động Vân Thông bằng một đường hầm xuyên trong lòng núi có tên gọi là “đường lên trời”. Đi hết “đường lên trời” là tới đỉnh Thượng Thai (cao 106 mét). Tại đây, có một chòi ngoạn cảnh và với độ cao lý tưởng này, du khách dễ dàng trông thấy cả vùng biển khơi mênh mông sóng nước, nhộn nhịp tàu thuyền ngoài biển Đông. Nhìn sang các phía khác, bạn sẽ thấy cảnh rộn rã, tưng bừng của một thành phố đẹp như tranh vẽ.
Ở danh thắng Ngũ Hành Sơn từ bao đời nay có Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra vào ngày 19/2, Hội Làng Đá ngày 16/3 (Âm lịch) và gần đây Ban quản lý đã tạo dựng thêm Lễ hội Báo Hiếu vào dịp rằm tháng 7 (Âm lịch). Lễ hội này, gắn liền với chủ trương xã hội hóa du lịch của lãnh đạo thành phố. Từ kinh phí của nhiều nguồn, nhiều thành phần đóng góp, một hang động mới được cải tạo, xây dựng ở phía Nam ngọn Thủy Sơn có cái tên nghe rất kỳ lạ: “Động Âm Phủ” và Lễ hội Báo Hiếu hàng năm được tổ chức tại đây. Du khách nao nao bước lên “Cầu Âm Dương” bắc qua “sông Nại Hà” để vào chiêm ngưỡng công trình xã hội hoá đầu tiên ở nơi này. Trên thế gian, các cây cầu thường cong vồng lên, nhưng cây cầu này lại cong võng xuống, bởi như lời anh hướng dẫn viên, đây là chiếc cầu “đi vào cõi âm”, cầu võng xuống bởi nó mang nặng nghiệp chướng ở cõi dương trần. Động Âm Phủ được xây dựng theo truyền thuyết “Mộc Liên Thanh Đề”, bên trong có các phân khu thể hiện toàn cảnh âm cung. Ở cửa động, có tượng ông Thiện (bên tả) và ông Ác (bên hữu) để phân loại những người đi vào “thế giới âm phủ”. Những ai ở trên dương gian ăn ở hiền lành, nhân đức thì đến đây được lên “Thiên Thai Giới”, còn những ai lúc sống làm điều xấu xa, bạc ác thì khi xuống âm phủ phải chịu trừng phạt theo 12 loại tội danh khác nhau. Đặc biệt, Động Âm Phủ chính là nơi cách đây 43 năm - ngày 24/12/1968 – có 5 chiến sĩ quân giải phóng đã kiên cường đánh trả hai tiểu đoàn Mỹ - Ngụy (tiêu diệt 160 tên, bắn rơi 1 máy bay), được Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu: “5 dũng sĩ Ngũ Hành Sơn”. Một trong 5 dũng sĩ ấy là CCB Đặng Văn Lái hiện vẫn còn sống tại phường Hòa Hải. Từ khi Động Âm Phủ trở thành điểm tham quan, anh Lái thường đến đây kể lại cho con cháu nghe về trận chiến đấu lừng lẫy năm xưa, vừa giàu yếu tố tâm linh, vừa mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Động Âm Phủ là một sản phẩm du lịch mới, hết sức độc đáo và hấp dẫn!
Đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn hôm nay, trong lòng du khách còn lưu lại những cảm nhận tốt đẹp về đội ngũ hướng dẫn viên biết nhiều ngoại ngữ, giỏi chuyên môn và am hiểu sâu sắc về lịch sử. Trong cuộc thi Hướng dẫn viên giỏi, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức cách đây chưa lâu, anh Lương Thanh Rân và anh Lê Văn Hòa lần lượt đem về cho danh thắng này một giải Nhất và một giải Ba. Trong đó, anh Thanh Rân với đề tài “Truyền thống đấu tranh cách mạng tại quần thể Ngũ Hành Sơn” đã làm cho Ban Giám khảo và khán giả hết sức cảm phục về sự hiểu biết sâu rộng của một hướng dẫn viên trẻ.
Bên cạnh đó, sự ra đời của Hội Làng nghề Điêu khắc Đá Non Nước đã tạo điều kiện cho hội viên trao đổi, học hỏi kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều phương tiện máy móc hiện đại mới được đưa vào sử dụng trong việc sản xuất đá mỹ nghệ. Nhiều tác phẩm được trưng bày trong các dịp lễ hội, sự kiện trọng đại và trên các tuyến đường lớn ở Đà Nẵng... Đó cũng là những sản phẩm mới có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách.
Một điều đáng nói nữa là, con đường Lê Văn Hiến rộng gần 50 mét đi qua phía Tây danh thắng Ngũ Hành Sơn cùng với tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc chạy sát phía Đông đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho du khách gần xa đến tham quan khu du lịch thắng cảnh nổi tiếng này.