Khám phá làng cổ ở Hà Nội
Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây là làng cổ đầu tiên được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây cũng được coi là đất hai vua, bởi tương truyền là nơi sinh ra Ngô Quyền và Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.
Làng Đường Lâm
Trải qua hàng trăm năm, cuộc sống ở Đường Lâm vẫn toát lên vẻ thanh bình vốn có của một làng quê Việt truyền thống. Từ cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình cho đến điếm canh, giếng nước, chùa miếu.
Cổng làng độc đáo chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Đình Mông Phụ nằm ở giữa làng được coi là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống.
Đặc biệt ở Đường Lâm còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà truyền thống ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh có tuổi đời hàng trăm năm, với những bức tường đá ong đặc trưng vùng Sơn Tây.
Làng Cự Đà
Men theo dòng sông Nhuệ hiền hòa, Cự Đà là ngôi làng cổ thứ hai có tên trên bản đồ du lịch Hà Nội. Người làng đi buôn bán làm ăn ở nơi khác, trở thành những doanh nhân cự phách. Những Cự Chân, Cự Phát, Cự Doanh...
Bên cạnh vẻ đẹp cổ, làng còn có vẻ đẹp cận đại. Đó là những ngôi biệt thự tây được xây cất từ những đầu thế kỷ XX. Phổ biến nhất là kiểu biệt thự hai tầng, chạm trổ cầu kỳ, với những phù điêu khảm đá hoặc sành sứ, nền nhà được lát gạch hoa được sản xuất ngay tại nước Pháp.
Gạch hoa còn được lát trên hàng cột ngoài hiên nhà, nhiều nét vẽ màu trang trí vẫn còn nguyên từ thuở ban đầu cách đây cả trăm năm. Những lan can bằng sắt đúc, phù điêu phong cách Tây lại được hoà quện đôi nét phương Đông...
Đến với Cự Đà, du khách còn được đắm mình trong những sợi miến vàng, được chứng kiến các giai đoạn làm tương “Cự Đà” nổi danh bấy lâu.
Làng Cựu
Làng Cựu (Phú Xuyên) với địa thế hình con cua nằm yên bình bên dòng Nhuệ giang. Cổng làng hiện ra cổ kính trong nắng chiều. Những con nghê, con phụng được đắp trổ một cách công phu. Ngõ xóm được lát đá xanh vuông vức, mát lạnh cùng với những mái nhà rêu phủ tạo cho du khách một cảm giác thanh bình, khác xa với không khí tập nập xô bồ của nội thành.
Mỗi ngôi nhà ở làng Cựu mang một vẻ đẹp riêng khiến cho bất cứ tay máy nào dẫu khó tính cũng phải chớp đèn liên tục. Nhà cụ Phó Du có con tôm rất đẹp vắt ngang qua cổng. Nhà ông Xã Vình cao, rộng, cột lớn, hai tòa nhà ở hai bên tả hữu của ngõ được nối với nhau bằng cái cầu bê tông cong cong tựa như cầu Thê Húc.
Lại có những ngôi nhà mặt tiền được trang trí hết sức cầu kỳ với những pho tượng đắp nổi, những hoa cúc, chùm nho mọng nước; cột được ốp đĩa tráng men kể tích Tàu, sàn được lát bằng gạch hoa mang từ Tây sang.
Cái vẻ trầm mặc, cổ kính của những cái cổng, ngôi nhà ở làng Cựu lại được phủ lên bởi một lớp bàng bạc màu thời gian đã làm đắp say biết bao thế hệ sinh viên kiến trúc, mỹ thuật. Cái vẻ đẹp ấy không chỉ khiến cho khách phương xa ngỡ ngàng mà còn nao lòng khi biết đến những con người đã kiến tạo nên chúng.
Làng Đông Ngạc
Làng Đông Ngạc nằm sát chân cầu Thăng Long, cách trung tâm khoảng 10km. Làng có tên nôm là Kẻ Vẽ và được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội.
Những người dân ở Đông Ngạc vẫn tự hào với câu ngạn ngữ “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” bởi làng có nhiều người thành đạt trong khoa bảng.
Ngôi nhà được coi là cổ nhất ở Đông Ngạc là nhà của ông Đỗ Quốc Hiến. Ngôi nhà đã có tuổi đời trên 200 trăm và được coi là ngôi đình thứ hai của làng.
Điều đặc biệt trong hệ thống những ngôi nhà cổ ở Đông Ngạc là sự gặp gỡ của 2 lối kiến trúc Pháp – Việt. Đan xen giữa những ngôi từ đường, nhà thờ họ theo lối kiến trúc truyền thống phương Đông là những nhà biệt thự xây đầu thế kỷ XX theo kiến trúc phương Tây.
Một điều thú vị là hầu hết những căn nhà cổ đều được sử dụng làm bối cảnh cho nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng như: Chị Dậu, Chí Phèo, Đề Thám...
Những làng cổ không cách quá xa trung tâm Hà Nội không chỉ là điểm đến cho những người muốn tìm hiểu văn hóa mà còn là điểm thăm quan thú vị cho những gia đình trong ngày nghỉ cuối tuần.