Kết nối du lịch Quảng Nam
Hỗ trợ nhau
Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch hàng đầu Việt Nam. Nổi bật là di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng hệ thống hang động có giá trị (hiện nay đã phát hiện được 330 hang động) như động Sơn Đoòng, hang Én, hang Va, động Thiên Đường, Tiên Sơn, hang Tối… Năm 2017, Quảng Bình đón hơn 3,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 130 nghìn lượt. Còn Hội An được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, nổi bật với di sản văn hóa thế giới khu Đô thị cổ và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm... Năm 2017, Hội An đón 3,22 triệu lượt khách, trong đó có 1,78 triệu lượt khách quốc tế. Riêng khách tham quan phố cổ Hội An đạt 2,38 triệu lượt, tham quan đảo Cù Lao Chàm đạt hơn 400.000 lượt.
Trong buổi gặp gỡ kết nối sản phẩm du lịch giữa hai địa phương vừa diễn ra mới đây, ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc sở VH-TT&DL khẳng định, du lịch là ngành kinh tế đa ngành, mang tính liên vùng. Do đó, việc kết nối rất cần thiết, trong đó vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. “Thật ra, cơ quan quản lý nhà nước không thể thay mặt doanh nghiệp mà chỉ tạo điều kiện để doanh nghiệp hai địa phương gặp gỡ, hợp tác, vì suy cho cùng doanh nghiệp chính là nhân tố quan trọng nhất của sự phát triển du lịch mỗi địa phương hoặc ít ra qua sự kết nối này doanh nghiệp cũng sẽ giúp hỗ trợ trong quảng bá thương hiệu lẫn nhau” - ông Tường nói.
Ông Trần Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhìn nhận, kết nối du lịch giữa hai địa phương chính là sự kết nối giữa du lịch văn hóa sinh thái làng nghề Quảng Nam với du lịch khám phá thiên nhiên, hang động Quảng Bình. Thông qua sự kết hợp này sẽ thúc đẩy du lịch hai tỉnh phát triển. Đặc biệt, từ sự hợp tác này, từ nay các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình không chỉ quảng bá du lịch cho địa phương mình mà còn giúp quảng bá cho du lịch Hội An, Quảng Nam và ngược lại. “Hai địa phương sẽ hợp tác hỗ trợ trong xúc tiến, quảng bá sao cho khách đến Hội An có thể ra Quảng Bình và ngược lại…” - ông Dũng bày tỏ.
Cơ hội phát triển
Thực tế, việc kết nối hợp tác, hình thành các vùng du lịch, điểm đến hạt nhân là xu hướng tất yếu và yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Với lợi thế là nơi hội tụ của nhiều di sản thế giới, có cảng hàng không, cảng biển quốc tế cùng thương hiệu du lịch đã vươn ra thế giới như Hội An, Phong Nha, Huế…, không chỉ Quảng Bình, Quảng Nam mà các địa phương nằm trên con đường di sản là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cũng hưởng lợi rất nhiều từ sự kết nối này. Qua đó, giúp nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, góp phần xây dựng vùng du lịch Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực thời gian tới.
Thống kê từ Sở Du lịch Quảng Bình cho thấy, bình quân mỗi ngày lượng khách từ Hà Nội vào Quảng Bình sau đó tiếp tục đến Hội An khoảng từ 300 – 500 khách. Ngược lại, một lượng khách tương tự từ Hội An cũng đã đến du lịch Phong Nha. Vì vậy, sự hợp tác giữa hai địa phương sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa du lịch mỗi tỉnh, nhất là trong công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm cũng như kích cầu du lịch. Tại buổi kết nối, hầu hết doanh nghiệp tham gia cho rằng, sự hợp tác du lịch giữa hai địa phương sẽ tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp phát triển và mở rộng thị trường kinh doanh. Ông Trần Anh Tuyến – Giám đốc Công ty Du lịch Kingkong Travel (Quảng Bình) kỳ vọng, việc kết nối du lịch sẽ giúp đối lưu lượng khách giữa hai nơi, giúp hoạt động kinh doanh của đơn vị tốt hơn.
Cùng quan điểm trên, tuy nhiên ông Phạm Nguyên Vũ - Giám đốc điều hành Khách sạn Pearl River Hotel & Spa (Hội An) cho rằng, đây mới chỉ là sự khởi đầu để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, còn việc triển khai vào thực tế cần phải có cách làm trực tiếp giữa các doanh nghiệp./.