Kỳ vọng du lịch Hiệp Đức, Quảng Nam
Cái nắng oi ả, ngột ngạt của tháng 6, bị đánh bật lại phía sau lưng chúng tôi bởi từng luồng gió mát lành từ phía lòng hồ Việt An thổi vào. Trong căn lều bạt dựng tạm bên bờ hồ để phục vụ du khách, anh Nguyễn Văn Định (46 tuổi, thôn Ngọc Sơn, xã Bình Lâm, Hiệp Đức) nằm trên chiếc võng, miên man với từng cơn gió mát, anh kể, tôi dựng lều buôn bán phục vụ du khách đến thăm hồ Việt An đã 10 năm nay. Ngày thường chỉ có dăm ba chục khách, nhưng vào các dịp lễ, tết, cuối tuần thì du khách đến thăm hồ rất đông, hàng chục lều quán của bà con địa phương dựng lên dọc bờ hồ để phục vụ du khách đều chật kín. Họ đến chỉ để được đắm mình trong cái không khí mát mẻ, trong lành từ lòng hồ và thưởng thức các món ăn dân dã như ốc hút, cá nướng, cá hấp, mỳ quảng, bánh tráng…
Hơn 10 năm buôn bán kiểu “chạy chợ” phục vụ du khách ở bờ hồ, hai vợ chồng anh cũng có chút tích góp để chăm lo cho mấy đứa con ăn học. “Chúng tôi mong muốn tiềm năng du lịch của địa phương sớm được đánh thức để người dân được hưởng lợi bởi khi vấn đề phát triển du lịch được quan tâm đầu tư, quy hoạch, kết nối bài bản giữa các danh thắng, di tích của địa phương như Hòn Kẽm Đá Dừng, suối Cái, hồ Việt An, Khu di tích căn cứ khu V, các di tích thời chống Pháp và chống Mỹ thì nguồn lợi kinh tế mang lại từ du lịch là rất lớn. Người dân địa phương ai cũng mong muốn được chung tay làm du lịch để phát triển quê hương giàu đẹp”- anh Định tâm tình.
Đi “du lịch” cùng chúng tôi, anh Nguyễn Nguyên Sa - cán bộ phụ trách bảo tàng, bảo tồn của Trung tâm Văn hóa huyện Hiệp Đức cho biết, diện tích mặt nước hồ Việt An rộng khoảng 182ha, cảnh quan môi trường sạch, đẹp cùng với hệ động thực vật phong phú. Đến hồ Việt An, du khách không chỉ tận hưởng không khí mát lạnh phả vào từ mặt hồ mà còn đắm hồn mình cùng với các điệu lý, các làn điệu dân ca khu V, rồi thưởng thức những món ăn dân dã của địa phương. Tính ra mỗi năm hồ Việt An thu hút trên 2.000 du khách đến tham quan. Đến với Hiệp Đức du khách còn được đắm mình trong dòng nước mát lành với tâm hồn thư thái tĩnh lặng, an nhàn giữa đại ngàn suối Cái; có dịp hòa mình trong không gian lãng mạn, trữ tình để rồi có giây phút “dừng lại” chiêm nghiệm về mình khi đến với Hòn Kẽm Đá Dừng. Sau đó du khách đến thăm các “địa chỉ đỏ” Khu di tích căn cứ khu V như: Di tích nhà và hầm làm việc của đồng chí Võ Chí Công; ao cá, nhà trưng bày hiện vật của khu di tích; Bia tưởng niệm Thông tấn xã Việt Nam, Bia tưởng niệm của Ban Tuyên huấn… Đây là nơi diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng bộ Khu V và nhiều hội nghị quan trọng khác dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V đồng thời đây là nơi đứng chân của Bộ Tư lệnh Quân khu V trước khi mở cuộc tổng tiến công vào mùa xuân năm 1975. Khu di tích đã được Bộ VH-TT công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm1993.
Năm 2007, Hiệp Đức có Nghị quyết số 02-NQ/HU về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại- du lịch; trong đó chú trọng phát triển du lịch ở những giai đoạn kế tiếp. Thời gian qua địa phương đã đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục di tích với tổng kinh phí 12 tỷ đồng; làm phim tư liệu, kỷ yếu, sưu tầm kỷ vật của khu… Địa phương đã đưa 3 điểm du lịch vào hoạt động gồm Khu di tích lịch sử khu V, Hòn Kẽm Đá Dừng, Khu du lịch sinh thái hồ Việt An. Mỗi năm đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan. “Hiện tại, Hiệp Đức đang xúc tiến triển khai thu hút các dự án đầu tư vào du lịch, bên cạnh đó bằng nội lực của mình địa phương cũng đã từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạch định chiến lược phát triển du lịch theo các tuyến đường sông và đường bộ với lịch trình kết nối đến các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nhằm tạo ra một chuỗi giá trị về du lịch thì nhất định du khách đến với Hiệp Đức ngày càng tăng, công tác phục vụ du khách cũng sẽ được tốt hơn, xóa bỏ sự manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm”, ông Lê Văn Dũng - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức, cho biết.
Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra đối với du lịch của Hiệp Đức đó là cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu, chưa có sự kết nối giữa các điểm đến, chưa tạo được sự thông suốt cho hoạt động du lịch; thêm nữa sản phẩm du lịch đặc trưng chưa nhiều, thiếu sự đa dạng để tạo hấp lực đối với du khách và bài toán về nhân tố con người tham gia làm du lịch… đã trở thành sự quan tâm, trăn trở tìm hướng giải của địa phương.