Di tích thương cảng Vân Đồn – Quảng Ninh
Quy mô lớn của thương cảng Vân Đồn một thời sầm uất đã được các nhà khào cổ ghi nhận qua việc phát hiện nhiều bến bãi với đồ gốm và tiền đồng nhiều triều đại, trên suốt một dải đảo từ Cống Đông, Cống Hẹp, Cống Yên, Ngọc Vừng đến Minh Châu, Quan Lạn..... Qua các dấu tích nền nhà cổ thường bắt gặp những hũ sành đựng tiền đồng cổ thuộc các thời đại phong kiến Trung Quốc từ nhà Đường tới nhà Thanh; tiền Việt Nam từ nhà Lý tới nhà Nguyễn. Tại khu cảng cổ còn có một khẩu giếng có tên gọi nôm là na là giếng Hiệu, hay còn gọi là giếng Nàng tiên nằm sát bên bờ vụng, quanh năm đầy nước. Đó là một trong những yếu tố góp phần khẳng định thêm rằng Cái Làng là một bến thuyền buôn cổ của bến thuyền cổ của cảng Vân Đồn.
Ngoài việc phát hiện những dấu vết hoạt động thương nghiệp ở Vân Đồn, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy kiến trúc tôn giáo, các chùa, tháp. Chỉ riêng trên hòn đảo Cống Đông có tới bốn ngôi chùa và một bảo tháp. Trong số đó có khu di tích chùa Lấm rất rộng xây dựng từ thời nhà Trần. Ngôi chùa này được xây dựng ở sườn núi phía Tây đảo Cống Đông, đối diện với bến thuyền ở sườn núi phía đông. Những di tích của khu chùa tam quan, chùa Hộ, chùa Phật, Thượng diện, nhà Tổ, bệ đá, toà sen, lan can chạm sóc, chạm rồng... nói lên rằng khu di tích chùa Lấm là trung tâm Phật giáo quan trọng của vung hải đảo.
Cách chùa Lấm 3 km về phía đông bắc đảo, trên ngọn đồi cao cùa đảo Cống Đông còn phế tích của một ngọn bảo tháp xây bằng gạch nung. Mặt ngoài gạch được trang trí hình rồng giun, khuôn trong hình lá đề. Trong khu đựng hộp xá lị còn có 13 mảnh vỡ của một bình sứ màu men ngà. Bình sứ này đựng tro thi hài vị cao tăng mà cuộc đời gắn liền với khu trung tâm Phật giáo chùa Lấm. Căn cứ vào kích thước của ngăn đựng hộp xá lị, tac có thể đoán được quy mô của ngọn bảo tháp khá đồ sộ, ít ra là tương đương với tháp Phổ Minh xây dựng từ đời Trần ở Nam Định.
Trên hết, Vân Đồn là thương cảng lớn, vật phẩm trao đổi với thuyền buôn ngoại quốc tại đây có mặt hàng lâm sản, hải sản, hương liệu, lụa là, gấm vóc. Nhưng mặt hàng chủ đạo từ đời Lý đến đời Trần vẫn là đồ sành sứ mà những mảnh vỡ trong khi bốc xếp kết thành từng tầng trên các bến thuyền là một minh chứng. Đồ sứ thời Lý mà men ngọc thanh thoát. Đồ sứ thời Trần màu men nâu khoẻ khoắn. Đố sứ thời Lê màu men lam dụi dàng. Từ cảng Vân Đồn, sứ của nước Địa Việt được đem tới bán tại Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, thậm chí đến tận vùng Đông Âu. Không khí buôn bán tấp nập, sầm uất của thương cảng Vân Đồn tới tận thời kỳ Tây Sơn. Với những giá trị về lịch sử, thương cảng Vân Dồn đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử .