Non nước Việt Nam

Thăm Đảo Tiên, Đồng Nai

Cập nhật: 21/06/2011 16:18:16
Số lần đọc: 2858
Một cù lao nhỏ nằm giữa rừng già Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), nơi con sông Đồng Nai chảy ngang qua khu rừng này và chia đôi dòng tạo được gọi là Đảo Tiên. Nơi ấy, có những “gia đình” linh trưởng được mang về nuôi, chăm sóc trước khi thả về rừng.

Mùa hè, du khách trẻ đến Đảo Tiên rất đông để tham quan và học cách bảo vệ động vật hoang dã từ những người tình nguyện nơi đây…

 

Du khách đến Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ được giới thiệu tour tham quan Đảo Tiên. Đón chúng tôi trên bến sông của vườn quốc gia là anh K’Hoài (người dân tộc Châu Mạ) phụ trách lái đò đồng thời là hướng dẫn viên ở địa phương. Anh K’Hoài cho biết, du khách chỉ được lưu lại trên đảo trong vòng một giờ và tuyệt đối không làm ồn, ảnh hưởng đến không gian sống của các loài linh trưởng.

 

Bước chân lên đảo, chúng tôi cảm nhận được một không gian xanh đúng nghĩa. Nghe đâu đó tiếng chim hót, vượn hú vọng lại. Con đường bê tông dài khoảng 700 mét dẫn vào khu nuôi dưỡng linh trưởng. Anh K’Hoài giải thích: sở dĩ có con đường bê tông này là để vận chuyển hàng hóa và thuận tiện cho khách đến tham quan. Khu trung tâm Đảo Tiên, đường đi đều là đường đất nhưng rất sạch. Có một khu đất trống nằm dưới các tán cây lớn là các chuồng lưới sắt rộng lớn làm nơi trú ngụ cho các loài vượn, voọc bị thương hoặc mới nhận về từ kiểm lâm các địa phương. Xung quanh là rừng rậm bao quanh. Gần đó có một chòi gác để ngắm nhìn rừng từ trên cao. Đứng trên chòi, du khách có thể quan sát cánh rừng rộng bao la.

 

Trên cành cây cao, có ba con vượn đang quay quần bên nhau. Anh K’Hoài cho biết: đó là “gia đình Hà Nội”. Thấy mọi người ngạc nhiên, anh giải thích: “Ba con vượn đó bị người dân bắt đưa ra Hà Nội bán. Kiểm lâm phát hiện và tịch thu đưa về đây nên chúng tôi đặt tên cho chúng là “gia đình Hà Nội”. Ở đây, còn có “gia đình Đồng Nai”, “gia đình Trảng Bom”... Những con vượn lẻ được đặt tên là cu Ni, bé Hin...”. Tìm hiểu công việc của các thành viên ở đây mới thấy giữa người và những con vật khá thân thiện. Buổi sáng, chúng kêu la inh ỏi đòi ăn. Mọi người tất bật cho chúng ăn, vệ sinh và chăm sóc vết thương cho chúng. Khi mọi việc xong xuôi, đảo mới mở cửa đón khách. Vì thế tour đến Đảo Tiên thường diễn ra vào đầu giờ chiều, khi việc chăm sóc loài linh trưởng đã kết thúc, các nhân viên trên đảo có đủ thời gian để tiếp đón khách.

 

Du khách chỉ được đứng từ xa nhìn vào các chuồng lưới sắt nuôi linh trưởng. Nếu để khách lại gần, linh trưởng sẽ quen với con người. Khi thả chúng về rừng, gặp thợ săn, chúng tỏ ra thân thiện và dễ bị bắt. Chúng được nuôi cách ly. Chỉ có những người làm việc trực tiếp mới được tiếp cận nhưng mức độ và thời gian có hạn. Những con vượn, voọc bất hạnh được đưa về đây ban đầu được nuôi trong lồng để chữa trị vết thương, tập làm quen với môi trường bán thiên nhiên và ăn lại thức ăn từ lá và trái rừng. Sau đó, chúng được thả ra môi trường tự nhiên, sống hoang dã.

 

Tận mắt nhìn thấy những việc làm, nghe giải thích tận tình về việc bảo vệ động vật hoang dã, nhiều du khách đã có nhận thức mới về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật. Sau khi tham quan, khách ghi lại cảm nghĩ của mình. Không ít những dòng chữ như: “từ nay, tôi không ăn thịt rừng nữa”, hay “gặp ai bán động vật hoang dã, tôi gọi ngay đến Công an, Kiểm lâm”, hoặc “nói không với thịt rừng và vận động mọi người làm theo!”...

 

Đảo Tiên là điểm tham quan có tính tuyên truyền giáo dục cao. Vì thế, vào những ngày cuối tuần, dịp hè, rất nhiều du khách trẻ, học sinh, sinh viên đến đây để tận hưởng không gian rừng mênh mông, thuần khiết và để tìm hiểu kỹ hơn về giá trị của thiên nhiên. Khá nhiều gia đình đưa con em mình đến đây vui chơi để nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và yêu thiên nhiên.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT