Làng nón Tây Hồ - Phú Vang (Thừa Thiên – Huế)
Nón lá Tây Hồ nổi tiếng bởi độ mỏng, thanh, màu sắc nền nã và đường kim, mũi chỉ đều, đẹp nên người tiêu dùng rất yêu chuộng. Nón lá là vật trang sức làm duyên thêm nét đẹp của những thiếu nữ và là vật che nắng hữu hiệu của nhiều người. Người dân quê đi chợ, đi làm ruộng không thể thiếu chiếc nón lá đội đầu. Nón lá đã gắn bó với cuộc sống của người nông dân Tây Hồ một nắng hai sương trên đồng ruộng một cách tự nhiên và bền bỉ dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay.
Không chỉ nổi tiếng với nón lá bài thơ, dân làng Tây Hồ còn rất khéo léo khi tạo ra những chiếc nón lá kè hai lớp bền, đẹp, đội mát.
Nghề làm nón nhìn có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi người làm nón phải cẩn thận và tỉ mỉ trong các khâu, đặc biệt là khâu chằm nón. Để có một chiếc nón đẹp thì tất cả các công đoạn đều phải được làm một cách công phu.
Để có lá đẹp và tốt, người làm nón phải ra chợ, tự tay chọn lá. Lá được chọn thường là lá dừa hay lá gồi có màu xanh nhẹ. Lá được ủi nhiều lần thật thẳng và thật láng. 16 vành nón được trắc thật tròn trịa. Xây và lợp lá cũng đòi hỏi tay nghề tinh tế. Người thợ phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp, để nón có thể thanh và mỏng, và đặc biệt các mũi kim phải đều, khít, sắc.
Làng Tây Hồ bao đời nay, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và nghề nón lá. Tây Hồ có hơn 100 hộ dân, trong số ấy có 80 nhà theo nghề làm nón. Già trẻ trong làng đều có thể làm nón. Đây là nghề không quá khó học đối với họ. Nghề làm nón không lại thu nhập cao, nhưng là nghề để mưu sinh, giải quyết công việc cho những phụ nữ làng quê những lúc nông nhàn, rảnh rỗi. Một ngày chằm nón, những người phụ nữ ở làng cũng kiếm thêm được khoảng 30 nghìn đồng. Dù thu nhập không cao nhưng họ vẫn mong muốn gìn giữ cái nghề truyền thống nổi tiếng của làng mình.
Người Tây Hồ tự hào vì nón lá của làng quê nghèo được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng, và tự hào vì họ vẫn sống được với nghề nón truyền thống.