Non nước Việt Nam

Nghề làm hương – Nét văn hóa độc đáo của người Mông

Cập nhật: 20/07/2011 11:04:55
Số lần đọc: 4573
Hương của đồng bào dân tộc Mông có mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu.

Đã từ rất lâu rồi, hương của đồng bào dân tộc Mông xã Dào San (huyện Phong Thổ) là sản phẩm truyền thống quen thuộc với người tiêu dùng cụm 8 xã Dào San. Bởi hương có mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu.

 

Để hương có mùi thơm đặc biệt, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất cẩn thận. Trước tiên là chẻ tre thành những thanh nhỏ có chiều dài khoảng 50cm (đây nhất thiết phải là những cây tre non), phơi khô rồi hong trên gác bếp khoảng 2 ngày. Trong thời gian này, người dân vào rừng sâu lấy lá cây hương (theo tiếng địa phương là lộng xeng, lá cây có mùi thơm dịu) đem phơi khô, giã nhỏ thành bột. Điều quan trọng là bột lá hương phải thật mịn, sờ không cảm thấy ráp tay thì hương mới đạt tiêu chuẩn. Bột này làm que hương có màu xanh rêu đẹp mắt và hương thơm dịu.

 

Bột lá cây lộng xeng được trộn với tro bếp, cứ 1 chậu bột trộn với 1 bát tro bếp. Sau đó dùng những que tre đã chẻ nhỏ nhúng vào nước cho ướt đều và rắc bột cây lộng xeng vào 2/3, vừa đập nhẹ kết hợp với xoay vòng tròn để bột bám đều. Công đoạn cuối cùng là phơi khô, nếu nắng thì phơi từ 1 - 2 ngày, còn mưa thì cho lên gác bếp sấy…  

 

Cả quá trình làm hương chỉ khoảng 4 - 5 ngày nhưng nhìn những cụ bà say sưa với công việc đủ thấy nghề làm hương không chỉ là một sản phẩm hàng hoá mà còn là nét văn hoá tâm linh của người dân nơi đây.

 

Hiện toàn xã còn khoảng 14 hộ làm hương thường xuyên, chủ yếu là người cao tuổi làm. Còn những ngày lễ, tết thì số gia đình làm hương tăng lên gấp nhiều lần. Vậy nên, không khó khăn gì để tìm những địa chỉ làm hương truyền thống của xã.

 

Men theo con dốc lởm chởm đá tai mèo đến bản Hợp 2 (bản có nhiều gia đình giữ nghề làm hương), chúng tôi tới gia đình bà Liều Thị Kẻ đúng lúc bà đang truyền nghề cho cháu dâu. Năm nay đã 83 tuổi, nhưng trông bà vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Đã hơn 20 năm rồi, mỗi lần chỉ bảo cho con cháu, bà lại rạng rỡ, vui vẻ khác thường.

 

Bà tâm sự: “Còn sức tôi còn cố gắng truyền nghề cho con, cháu. Đây là nghề mang yếu tố tâm linh rất cao, nên việc làm hương cũng như học làm hương cũng phải xuất phát từ tấm lòng thành”.  

 

Giờ đây, trong ngôi nhà có 4 thế hệ này, nghề làm hương vẫn tiếp tục được nối truyền. Đặc biệt, vào mỗi dịp có phiên chợ và những ngày lễ, tết, cả gia đình bà Kẻ lại cùng nhau làm hương. Sản phẩm hương của gia đình được người dân trong vùng rất ưa chuộng. Mỗi chợ phiên, gia đình bà làm khoảng 50 đến 80 bó (bán với giá 3.000 đồng/bó), còn vào dịp tết Nguyên đán, số lượng hương phải tăng lên gấp 4 - 5 lần. Nhờ làm hương, mỗi năm gia đình bà thu gần chục triệu đồng.

 

Trong những năm gần đây, mặc dù nghề làm hương ở Dào San có dấu hiệu bị mai một nhưng chính quyền địa phương và người dân đã quyết tâm khôi phục lại và tiếp tục phát triển cho đến tận ngày nay.

 

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Dào San – ông Phan Văn Long cho biết: “Hiện nay, nghề làm hương của người Mông chỉ mang tính gia đình, rải rác và xem là nghề phụ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân trong xã làm hương để vừa giữ nghề vừa tăng thêm nguồn thu nhập, đồng thời khuyến khích nhân dân trồng một số cây nguyên liệu chính để chủ động nguồn nguyên liệu cho nghề làm hương”.

 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tới hôm nay đã có rất nhiều những làng nghề đã mai một, nhưng đối với người Mông ở Dào San nghề làm hương vẫn như sống mãi với thời gian. Hương không chỉ là sản phẩm hàng hóa mà còn là sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Đây là nét văn hóa độc đáo cần bảo tồn và phát huy.

Nguồn: Báo Lai Châu

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT