Ðầu tư Du lịch

Xây dựng Khu du lịch sông Hậu trở thành điểm đến hấp dẫn của thành phố Cần Thơ

Cập nhật: 14/07/2011 14:10:56
Số lần đọc: 7451
Ngày 12/6/2011, tại khu vực bờ kè bãi bồi cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy và UBND thành phố Cần Thơ phát lệnh khởi công xây dựng Khu du lịch sông Hậu. Chủ đầu tư dự án Khu du lịch sông Hậu là liên doanh Nhà khách Cần Thơ-đơn vị trực thuộc UBND thành phố Cần Thơ và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ðịa Cầu. Công ty Tư vấn Thiết kế SLA-Xin-ga-po lập quy hoạch dự án và Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế CA DIF lập dự án, thiết kế Khu du lịch sông Hậu, với tổng mức đầu tư là 490 tỷ đồng.

Là một thành phố trực thuộc T.Ư được thành lập vào đầu năm 2004, thành phố Cần Thơ trải dài 65 km bên bờ sông Hậu hiền hòa, với diện tích 138.900 ha, dân số gần 1,2 triệu người. Là thành phố trẻ, nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), Cần Thơ có vai trò là đầu mối giao thông vận tải của vùng đến TP Hồ Chí Minh và quốc tế.  Ðây là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch sông nước miệt vườn, du lịch MICE, du lịch khám phá văn hóa dân tộc và văn minh nông nghiệp... Thành phố Cần Thơ là đô thị ven sông, với 65km trải dài theo dòng sông Mê Công, có nhiều tiềm năng du lịch và hệ thống các cù lao với cảnh quan thiên nhiên sông nước miệt vườn như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, Phong Ðiền, vườn cò Bằng Lăng, các khu du lịch vườn Mỹ Khánh, Thủy Tiên, Xuân Mai và hệ thống nhà vườn ven thành phố. Cần Thơ còn có nhiều di tích văn hóa lịch sử, lễ hội truyền thống., có Nông trường Sông Hậu và Cờ Ðỏ, có Trường đại học Cần Thơ và Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long là những trung tâm khoa học - kỹ thuật và đào tạo có tầm cỡ của vùng. Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã hình thành bốn loại hình du lịch được yêu thích. Ðó là du lịch sinh thái sông nước, với hệ thống sông ngòi chằng chịt và hệ thống cồn trên sông Hậu như: cồn Cái Khế, cồn Khương, cồn Ấu, cồn Sơn, cù lao Tân Lộc, chợ nổi Cái Răng, Phong Ðiền và đội tàu du lịch trên sông. Loại hình Du lịch văn hóa truyền thống với các di tích văn hóa - lịch sử, tượng đài Bác Hồ, hệ thống các nhà bảo tàng, đình Bình Thủy, chùa Ông, bến Ninh Kiều, Ðại học Cần Thơ, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Nông trường sông Hậu, làng cổ Bình Thủy - Lộ Vòng Cung lịch sử, chợ cổ Cần Thơ và các làng nghề ven thành phố. Loại hình Du lịch vườn với điểm đến là vườn cò Bằng Lăng và hệ thống các điểm, khu du lịch vườn đa dạng các chủng loại và dịch vụ du lịch. Mô hình khai thác tiềm năng du lịch sinh thái vườn tại địa phương đang là mô hình kinh doanh du lịch khá hiệu quả, thu hút nhiều nhà vườn có điều kiện tham gia. Cần Thơ hiện có mười điểm du lịch vườn sinh thái đang hoạt động, trong đó làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh đã hình thành thương hiệu khá nổi tiếng, hằng năm thu hút hơn 40.000 lượt khách đến vui chơi, giải trí; khu du lịch sinh thái Thủy Tiên (xã Phước Thới - Ô Môn), vườn du lịch sinh thái Giáo Dương (Phong Ðiền)... cũng là những điểm dừng khá thú vị của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Cần Thơ. Loại hình Du lịch gắn với hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm, với hội chợ triển lãm quốc tế định kỳ hằng năm và nhiều cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn, loại hình du lịch này được đánh giá là sẽ phát triển nhanh chóng trong thời gian tới. Ngoài 14 điểm tham quan di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng có chín di tích cấp quốc gia, du lịch Cần Thơ đã quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển mới một số khu du lịch vườn, Trung tâm văn hóa miền Tây, công viên nước, nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, phố đi bộ dọc bến Ninh Kiều, du thuyền trên sông... đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu và phát triển du lịch. Ngành du lịch đã tiến hành rà soát và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt, trong đó đáng chú ý dự án khôi phục lộ Vòng Cung - làng cổ Bình Thủy, dự án khu du lịch Cồn Khương, cồn Cái Khế, vườn cò Bằng Lăng...

Hiện nay, thành phố Cần Thơ  có 174 cơ sở lưu trú với tổng số 4.149 phòng, trong đó có 48 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ một đến bốn sao, 73 khách sạn đạt tiêu chuẩn du lịch, về số lượng tăng gấp hai lần so với thời điểm cách đây năm năm. Cũng phải thấy rằng sự phát triển du lịch của thành phố Cần Thơ trong thời gian qua chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng. Ngoại trừ các khách sạn như Victoria Cần Thơ, Cửu Long, Golf Cần Thơ, Ninh Kiều 2... có gần 100 phòng, với trang bị tiện ích, phục vụ hội nghị, hội thảo, còn lại hầu hết các cơ sở lưu trú khác đều có quy mô nhỏ, lượng phòng ít, thiếu các dịch vụ hỗ trợ và các phòng họp lớn phục vụ hội nghị - hội thảo.  Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch tại Cần Thơ phần lớn là chi cho ăn uống và lưu trú. Các chi phí vui chơi giải trí, vận chuyển và mua sắm chiếm tỷ lệ thấp. Do đó, việc đầu tư tăng thêm các dịch vụ hỗ trợ này để tăng doanh thu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch là hết sức cần thiết. Vấn đề đặt ra là phải tạo được các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao cả về quy mô và chất lượng sản phẩm hấp dẫn du khách; tạo được thị trường khách ổn định riêng cho mình, đồng thời tăng cường liên kết với các thành phố, tỉnh bạn để khai thác các nguồn khách, nhất là thị trường khách du lịch TP Hồ Chí Minh - trung tâm tiếp nhận và điều phối khách du lịch lớn nhất cả nước.

Từ khi sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng biển quốc tế Cái Cui, cầu Cần Thơ được đưa vào hoạt động đã chắp cánh cho Cần Thơ xứng tầm là thành phố trung tâm, đóng vai trò là thành phố động lực của vùng ÐBSCL. Những năm gần đây, thành phố Cần Thơ là điểm đến của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Hàng loạt các sự kiện trọng đại được tổ chức tại Cần Thơ như Hội chợ thương mại quốc tế, Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ nhất, Năm du lịch Việt Nam với chủ đề sông nước, miệt vườn Nam Bộ, Diễn đàn biến đổi khí hậu toàn cầu... Ðặc biệt là Hội nghị Ðầu tư và Phát triển đồng bằng sông Cửu Long năm 2010, với chủ đề: Liên kết và Phát triển do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND 13 tỉnh, thành phố trong khu vực được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Hoa Sứ, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ trong hai ngày 5, 6/9/2010.  Tham dự hội nghị có khoảng 800 đại biểu đại diện Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo của 13 tỉnh, thành phố trong khu vực ÐBSCL; các hiệp hội, tập đoàn kinh tế, ngân hàng, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, tham tán thương mại các nước thuộc châu Âu, châu Á và châu Mỹ la-tinh.

Xây dựng khu vực cồn Cái Khế trở thành Khu dịch vụ nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tạo ra một dấu ấn mới - một địa điểm du lịch ấn tượng nhằm thu hút và giữ chân  du khách đến du lịch và là một phương tiện để quảng bá phát triển du lịch của thành phố, xứng tầm là một thành phố trung tâm, thành phố động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ðây cũng là nơi để Thường trực Thành ủy, Thường trực HÐND, UBND, các sở, ban, ngành của thành phố và quận, huyện bố trí cho khách đến và làm việc tại Cần Thơ. Bên cạnh đó cũng góp phần xây dựng các công trình kiến trúc đẹp và hiện đại cho thành phố. Xây dựng thành phố Cần Thơ  thành một điểm đến có thể tổ chức các sự kiện quảng bá về văn hóa, du lịch thành phố. Bảo đảm việc phát triển đô thị tại khu vực dự án và các khu vực lân cận thuộc phường Cái Khế theo đúng quy hoạch được phê duyệt: đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và cảnh quan môi trường. Chính vì những lý do trên, Nhà khách Cần Thơ-đơn vị trực thuộc UBND thành phố Cần Thơ liên doanh với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ðịa Cầu  đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch sông Hậu tại Khu đất bãi bồi, cồn Cái Khế.  Công ty Tư vấn Thiết kế SLA-Xin-ga-po lập quy hoạch dự án và Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế CA DIF lập dự án, thiết kế Khu du lịch Sông Hậu, với tổng mức đầu tư là 490 tỷ đồng.

Vị trí khu đất quy hoạch thuộc đất bãi bồi cồn Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều nằm trên sông Hậu. Xét thấy dự án có vị trí rất quan trọng đối với cảnh quan của đô thị loại 1 mang đặc trưng sông nước, do vậy UBND thành phố Cần Thơ thống nhất chủ trương quy hoạch dự án theo hướng hiện đại, tạo điểm nhấn đặc trưng cho thành phố. Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí được quy hoạch để hình thành một tổ hợp các công trình, bao gồm các chức năng: du lịch, cảnh quan - giải trí; trung tâm hội nghị - khách sạn - resort; thương mại - văn phòng - dịch vụ. Tổ chức quy hoạch không gian kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đặc sắc với tòa nhà trung tâm hội nghị làm công trình tạo điểm nhấn ấn tượng sẽ hình thành một địa điểm tham quan, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng hấp dẫn cho người dân và khách du lịch. Các hạng mục công trình được xây dựng bố trí theo từng khu vực với quy mô xây dựng có thể thực hiện linh hoạt, nhưng bảo đảm mật độ xây dựng tối đa toàn khu 25%, mật độ cây xanh tối thiểu toàn khu 50%. Dự án cung cấp một khu nghỉ dưỡng resort 5 sao đạt chuẩn quốc tế, là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến giao lưu văn hóa, giải trí, hoạt động kinh tế với thành phố Cần Thơ. Tại khu khách sạn, dịch vụ thư giãn, thể dục thể thao và vui chơi giải trí, với khối khách sạn cao cấp có tổ chức mặt bằng hình vòng cung. Khu nhà nghỉ cao cấp bố trí tại phía bắc khu quy hoạch, tiếp cận không gian cảnh quan sông, biển nhân tạo, sân vườn, diện tích xây dựng dự kiến khoảng 3.327 m2. Hàng loạt các hoạt động phụ trợ tại khu này như thương mại, ẩm thực, tổ chức hội nghị, trò chơi giải trí...

Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Cần Thơ, kiêm Phó Chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần Du lịch sông Hậu Phan Văn Hò cho biết, không gian kiến trúc của Dự án được thiết kế hướng tới tận dụng những nét đẹp đặc trưng của vùng sông nước, với quyết tâm đưa dự án trở thành mô hình lý tưởng về sự phát triển Xanh - sạch - đẹp. Nét nổi bật, độc đáo của Dự án là tính phức hợp, đa dạng được kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa với các yếu tố thiên nhiên mang đậm bản sắc của vùng đồng bằng Nam Bộ. Tin rằng, Dự án Khu du lịch sông Hậu sẽ là điểm sáng, địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng lý tưởng, một mô hình mẫu về sự phát triển thân thiện với môi trường, không chỉ là điểm nhấn hứa hẹn của ngành du lịch Cần Thơ mà của cả vùng Tây Nam Bộ.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT