Đình Vạn Thủy Tú: Hội tụ văn hóa miền biển
Tôn thờ “ông”
Ngôi đình Vạn Thủy Tú được xây dựng từ năm 1762 là nơi thờ cá voi lớn nhất và lâu đời nhất ở Ninh Thuận. Theo người xưa kể lại thì “thủy” là nước, còn “tú” là màu mỡ. Qua hơn 200 năm tồn tại, Vạn Thủy Tú đã có 3 tẩm với trên 100 bộ cốt ông (cá Voi) được lưu giữ, trong đó có hàng chục bộ cốt lớn, niên đại từ 100 - 150 năm tuổi. Nổi bật ở đây có một bộ cốt rất lớn, dài hơn 20 mét và nặng hơn 60 tấn. Theo truyền thuyết, sau khi người dân xây xong đình Vạn Thủy Tú, một “ông” lớn trôi dạt vào bờ phía trước đình, ngư dân trong vạn Thủy Tú và các vạn khác cùng nhau đưa “ông” vào mai táng trong đình. Sau này, bộ cốt cá voi này được các cán bộ viện Hải Dương học Nha Trang lắp ghép và trưng bày trong khuôn viên đình. Về kiến trúc, Vạn Thủy Tú là đình xây theo hình chữ Tam, hướng ra phía Đông. Hương án chính giữa đình Vạn Thuỷ Tú thờ Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần; bên trái thờ Thuỷ Long thánh phi nương nương tôn thần và bên phải thờ Thái hiệu tiên sư tôn thần. Cạnh chính điện còn có miếu thờ đức Quan thánh. Phía sau là phòng lưu trữ bảo tồn những bộ cốt cá voi. Ngoài ra, đình còn lưu giữ 24 tấm sắc phong các vị vua nhà Nguyễn để lại. Trong số đó, riêng vua Thiệu Trị ban tặng đến 10 sắc phong, số còn lại của các đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định... Những sắc phong viết trên giấy thủ công. Đặc biệt, 10 bản đã có hơn 150 năm tuổi nhưng vẫn được giữ gìn cẩn trọng, nguyên vẹn trong ngôi đình. Đình Vạn Thuỷ Tú hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng cư dân nghề cá vùng hữu ngạn cửa sông Phan Thiết từ thời xưa. Trong đó, có chiếc chuông đồng đúc vào năm Nhâm Thân (1872), đến nay đã được 130 năm. Thân chuông có dòng chữ "Tự Đức nhị thập ngũ niên - Xuân quý giáo đáng - Thuỷ Tú Vạn - Bổn Vạn đồng ký". Trong khuôn viên đình Vạn Thủy Tú có khu đất trống có diện tích đủ để chôn cất mỗi khi vạn có “ông” lụy. Sau ba năm chôn cất sẽ được hốt cốt ông đưa cất giữ trong đình. Tín ngưỡng thờ cá voi có từ thời vua Gia Long. Theo truyền thuyết kể lại, thời vua Nguyễn Ánh bị thua trận chạy vào Sài Gòn rồi sang nước Xiêm, cả đoàn thuyền chở vua lênh đênh trên biển gặp sóng to. Nhà vua đứng trước mạn thuyền và nói “Nếu ai cứu được quân lính của ngài khi về triều sẽ sắc phong. Lập tức có hai con cá voi đến đáp mũi thuyền sau đó đưa thuyền của nhà vua vượt sóng biển an toàn. Sau khi về triều, vua đã phong cho cá voi là “Nam Hải cư tộc ngọc lân tôn thần” người dân vẫn quen gọi là “Nam Hải đại tướng quân”. Tấm sắc phong này còn được lưu giữ trong đình Vạn Thủy Tú. Với người dân chài bám biển thì họ coi cá voi là vị thần hộ mạng, phù hộ cho họ những chuyến đi biển an toàn, sẵn sàng giúp đỡ ghe thuyền ngư dân khi gặp nạn, và cả cứu sống nhiều ngư dân… Do đó họ biết ơn, và tôn thờ cá voi, mỗi chuyến đi biển xa mà ghe nào thấy “ông” lụy dù chưa đánh bắt được con cá nào cũng quay thuyền để đưa “ông” vào bờ chôn cất.
Những ngày lễ lớn
Không chỉ là nơi giữ cốt, ngôi đình Vạn Thủy Tú là trung tâm tín ngưỡng, lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa của cư dân miền miền biển. Hàng năm trong đình Vạn Thủy Tú diễn ra rất nhiều các lễ cúng lớn nhỏ, nhưng tập trung nhất vào bốn kì lễ lớn phản ánh xâu chuỗi hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân nơi đây. Đó là lễ tế xuân (20/2 âm lịch), lễ cầu ngư (20/4 âm lịch), lễ cúng chính mùa (22/6) và lễ mãn mùa (22/8 âm lịch). Trong 3 năm đáo lễ một lần, tổ chức lễ rất lớn “trong chay ngoài bội”, tức cúng chay và có thuê đoàn hát bội hơn 10 tiếng. Trong kì đáo lễ ở đây, ban lâm tế của đình Vạn Thủy Tú cùng nhau họp bàn kế hoạch làm lễ. Thường thì tổ chức rước bài vị, tức tổ chức cho đoàn ghe mang bài vị thần Nam Hải ra biển cúng, sau đó đưa về cảng cá, mang lên bờ diễu hành qua một số con đường trong thành phố Phan Thiết rồi tiến về đình Vạn Thủy Tú. Trong từng kì tế lễ, về nghi thức tương tự nhau mọi người khăn đóng áo dài, gây dựng nên một không khí linh thiêng. Mọi người dân, dù bận rộn với công việc khai thác thủy hải sản nhưng đều không bỏ qua những ngày lễ lớn này. Họ sum họp về đây và dâng những nén hương thành kính tạ ơn vị “thần biển”. Ngoài ra, có rất nhiều hoạt động khác phản ánh văn hóa miền biển như thi đua thuyền trên biển, múa chèo dọc… được lưu giữ từ thời xa xưa tới nay. Đình Vạn Thủy Tú như một góc của bảo tàng văn hóa biển, phản ánh nét văn hóa của ngư dân từ tín ngưỡng tôn thờ cá voi tới các mùa lễ hội đặc sắc phản ánh đời sống, hoạt động đánh bắt cá trên biển Đông.