Độc đáo giếng cổ xóm Cấm, Hội An (Quảng Nam)
Cấu trúc của giếng cổ này khá giống với nhiều kiểu giếng Chăm khác ở Hội An. Lòng giếng có kiểu hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông. Diện tích khuôn viên giếng khoảng 15m2, đường kính miệng giếng khoảng 1,2m. Lòng giếng xây gạch theo kiểu "vành khăn". Độ sâu từ miệng giếng đến đáy giếng khoảng 5m. Theo thông tin từ các tư liệu cổ thì các nhà chuyên môn cho rằng giếng xóm Cấm có thể được xây dựng từ cách đây khoảng 200 năm. Điểm đặc biệt nhất ở giếng này là nước không bao giờ cạn, cho dù vào mùa khô kiệt nhất.
Theo người dân nơi đây, nước giếng xóm Cấm cực kỳ hiệu nghiệm khi giải chứng bệnh say sóng. Nếu người nào đi từ đất liền ra Cù lao Chàm mà bị say sóng thì chỉ cần lấy nước giếng xóm Cấm nấu với lá rừng của cù lao rồi uống vào là hết say.
Giếng xóm Cấm từ trước đến nay không chỉ cung cấp nguồn nước ngọt mát lành cho cư dân trên cù lao mà còn cung cấp cho cả tàu thuyền trong và ngoài nước thường xuyên qua lại nơi này. Đồng thời, sự độc đáo và tuổi thọ của giếng cũng là nguồn tư liệu quý để du khách cũng như các nhà văn hóa hiểu rõ hơn về sinh hoạt văn hóa của cư dân địa phương, quá trình phát triển làng xã và vai trò, vị trí của Cù lao Chàm trên chặng đường giao thương hàng hải ven biển Đông.