Non nước Việt Nam

Truyền thuyết Núi Sam, An Giang

Cập nhật: 16/07/2008 09:07:16
Số lần đọc: 2664
Trên con đường trải rộng cách thị xã An Giang chừng 60 km về hướng Tây, một buổi chiều nắng êm ả, tết Đoan Ngọ, tôi trở lại núi Sam. Những hàng sứ trắng đầu xuân đã nhường chỗ cho phượng vĩ tràn cả lối đi. Núi Sam như bừng sáng lên giữa “đám lửa” rực rỡ của mùa phượng vĩ nở hoa.

Nơi núi Sam ngự trị

 

Một góc núi Sam

Người ta gọi là núi Sam. Núi có diện tích khoảng 280ha, với độ cao vừa phải 241m. Vào thời nhà Nguyễn, núi Sam thuộc thôn Vĩnh Tế, phủ Tuy Biên - ngày nay là xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là rặng núi lẻ loi cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Khi đứng từ trên đỉnh cao nhất của núi Đá Dựng (cách đó khoảng 6km) ta sẽ nhìn thấy giữa cánh đồng xanh ngát là hình ảnh một con sam. Có nhiều câu chuyện truyền thuyết về loài sam từng sinh sống nơi đây.

 

Vùng đất này thật trù phú, cả một đoạn đường dài một bên là biển, bên kia là những cánh đồng lúa xanh ngát, cây cối tươi tốt quanh năm. Thỉnh thoảng, xuất hiện những ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc Campuchia (thờ đạo Phật – phái An Tông hoặc Tiểu Thừa, tăng ni thường mặc áo vàng và sống bằng cách đi khất thực). Nơi này khí hậu ôn hòa mát mẻ vì ngoài cánh đồng, núi Sam còn được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch.

 

 


Đường lên núi Sam

 

 

 Đường lên núi Sam

Từ hai thế kỷ trước, qua ngòi bút của Thoại Ngọc Hầu (trong bia “Vĩnh Tế Sơn”) thì núi Sam đẹp như một bức tranh phong thủy. Trong vòng bán kính khoảng 10km đổ lại bên cạnh núi Sam còn có nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước công nhận xếp hạng như: Chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang... và nhiều thắng cảnh đẹp như đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ...

 

Tách khỏi dòng người đổ về viếng núi Sam trong ngày lễ, theo lời kể của một người dân địa phương, tôi men xuống sườn Đông núi Sam để tìm một ít lá giang. Nếu đã từng nhấm qua một lần cái hương vị của loại lá này, ta sẽ cảm nhận sự thú vị ở đầu lưỡi bởi vị chua thanh lẫn chút bùi bùi. Lá giang dùng nấu canh với thịt gà ăn rất ngon.

Và lạ lắm, cùng một loài này nhưng nếu mọc ở sườn núi phía Tây hay phía Đông thì hương thơm, vị ngon và độ màu cũng khác nhau. Một người dân địa phương giải thích rằng, ở sườn phía Đông núi Sam đón nhận ánh nắng đầu tiên của mặt trời nên loài cây trái nào hương vị cũng thanh hơn.

Những truyền thuyết in trên núi đá

 

 Hang Thủy Tề

Chuyện về loài Sam vẫn chưa kết thúc. Tôi được thầy Ngọc Minh, một tăng sư đã có 15 năm gắn bó với ngọn núi thơ mộng kể cho nghe một truyền thuyết khác. Thầy đưa tôi đến một cái miệng hang hiện đã được lấp tạm thời bằng xi măng, phía bên trái cách lối đi vào chừng khoảng 3 mét, thầy bảo đây là đường đi xuống thủy tề. Tôi ngạc nhiên, thầy tiếp tục câu chuyện của mình...


Phía bên trên miệng hang, nhìn thẳng lên vách núi dựng đứng có cái lỗ thông thiên, đường kính khoảng gần 1 mét vuông. Trước đây có một cái dây thừng thòng từ miệng hang xuống, nhưng vì du khách đến đây đu dây nhiều quá nên bị đứt một nửa. Năm 1978, Pôn Pốt tràn qua chiếm đóng vùng đất này, chính quyền địa phương đã cho lấp hang lại vì sợ chúng cất giấu vũ khí.

Truyền thuyết kể lại đây chính là nơi ở của con đại bàng, nó đã bắt cóc công chúa và đi vào hang bằng lỗ thông thiên. Trên vách đá của hang in hình người màu trắng, trên vai quàng con vật hình thù như đầu chằn tinh, tay trái dìu công chúa, khiến người ta liên tưởng đây là ông Thạch Sanh.

 

 Bàn thờ Thủy Tề 200 tuổi

Là chuyện từ cái hang này, sau khi Thạch Sanh giết đại bàng, giải thoát công chúa, Lý Thông muốn giành công nên gọi lính lấp miệng hang để giết Thạch Sanh. Không ra khỏi hang được, Thạch Sanh mới lần tìm lối đi khác, cuối cùng tìm ra cửa biển và gặp người có đuôi giống cá...

 

Bên cạnh cái hang được gọi là “vương địa” đại bàng, qua một lối đi lớn sẽ gặp cái hang thứ hai. Trên miệng hang có bàn thờ Thủy Tề, phía bên trong hang có 3 lối đi nhỏ. Ở dưới hang có loài đá rất lạ, không phản chiếu ánh sáng, rọi đèn vào ánh sáng bị hút hết. Chỉ có đèn dầu mới thắp sáng được dưới này, nhưng đèn dầu mà không có không khí thì không cháy. Cho đến bây giờ cái hang kỳ lạ này vẫn chưa được khám phá.

 

 

 Người con gái trên đá

Theo thời gian, những lớp đá canxi gặp mưa nhiều hút nước trương ra tạo thành những hình thù rất kỳ lạ. Ở một nhánh cửa hang phía Nam, cạnh phiến đá Đại Hồng Chuông khá nổi tiếng là khối đá hình con sử tử từ trên trời bay xuống. Trên đầu sư tử có hình Đức Phật. Theo kinh Pháp Hoa, nhân vật cưỡi sư tử là Bồ Tát Văn Thù - người có tiếng nói êm dịu - tượng trưng cho trí tuệ, phá đêm tối của vô minh. Tôi hỏi khối đá này đã xuất hiện tự khi nào thì được biết nó đã có từ khi thạch động xuất hiện và ngày càng lớn dần thêm.

 

 

 Chuông cổ

Lại nói về Đại Hồng Chuông, nhìn kỹ sẽ thấy những khối đá rời, đá có tiếng kêu rất thanh. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày cái chui đánh chuông do người Miên khai phá mảnh đất này mang về xứ, ta có đẽo nhiều cái khác nhưng đánh vào chuông không kêu!

Và cứ thế, những câu chuyện kéo dài mãi... Những truyền thuyết sao lại ứng với tạo vật của thiên nhiên lạ thường, càng khiến cho lời kể thêm hấp dẫn hơn. Mãi nghe, tôi vô tình đưa tay chạm vào một nhũ thạch (vú đá). Vào mùa mưa từ nhũ thạch này phun lên dòng nước trong vắt, mát lành. Có người nói uống nước này có thể chữa được bệnh.

Chiều đã về rất muộn, chim yến gọi bầy quấn tổ, những du khách cuối cùng đã rời núi. Tiếng chuông chùa vọng lại xa xa. Từ biệt núi Sam, hẹn lòng sẽ quay trở lại vì còn nhiều truyền thuyết chưa kịp khám phá…
Nguồn: TTVH

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT