Non nước Việt Nam

Tận hưởng cảm giác bình yên ở Côn Đảo

Cập nhật: 16/07/2008 09:07:33
Số lần đọc: 2359
Tàu đi Côn Đảo khởi hành từ cảng Cát Lở, nằm trên con ngõ bùn lầy của đường 30 tháng 4, thành phố Vũng Tàu. Những chiếc xe chở hàng chạy qua, bánh xe lấm bết, bùn bắn lên tung toé trên những kệ gỗ xập xệ bán rau, trái cây bên đường. Đến khi lên tàu rồi, tôi vẫn cảm thấy trong gió thổi tới có mùi bùn nồng nồng, bốc lên trong nắng chiều gay gắt, lẫn với mùi cá biển.

Trên tàu ra đảo, những khách du lịch, rất dễ nhận ra họ với lỉnh kỉnh ba lô trên vai và máy ảnh trên tay; những người dân địa phương mua vé bổ sung, mang theo võng và chiếu, thản nhiên trải ra boong tàu nằm ngồi la liệt giữa tấp nập người qua lại, có người tranh thủ ăn một tô mì tôm trứng bán trên căn tin của tàu.

Vào ngày nắng đẹp như hôm nay, biển chỉ hơi gợn sóng, tàu khẽ lắc lư. Chị bán vé tàu cho biết, từ Vũng Tàu đi, ngược gió, tàu sẽ nhóc (lắc) hơn một chút, nhưng chiều về xuôi gió tàu chạy sẽ bớt chòng chành hơn. Từ Vũng Tàu tới Côn Đảo là 97 hải lý, khoảng gần 200km. Dự tính tàu đến đất liền vào 5h sáng, nhưng phải đến 6h30, mặt trời lên từ lâu chúng tôi mới cập cảng Bến Đầm, cách thị trấn Côn Đảo chừng 15km. Dù không đặt trước, chúng tôi nhanh chóng tìm được một chiếc xe chạy từ cảng vào thị trấn với giá vé 20.000 đồng/khách.

Bản thân Côn Đảo lại là một quần đảo lý tưởng cho du lịch khám phá và nghỉ dưỡng, với biển xanh, cát mịn, những rặng san hô bao bọc quanh đảo, rừng bạt ngàn, hồ nước ngọt mênh mông. Chiếc khăn choàng thời gian đã phủ chút rêu phong lên đau thương ngày cũ, và đến đây, bạn sẽ thấy đôi phần thèm muốn cuộc sống giản dị, bình an giữa thiên nhiên hoang sơ và tươi đẹp của những người dân trên đảo.

Buổi sáng, những đám mây chuyển màu rạng rỡ, mặt trời lên sau mũi Lò Vôi, nắng sớm êm như ru. Cả ngày dài nắng gió lồng lộng trên những con đường ven biển, lá cây khô bay xào xạc trên vỉa hè lát xi măng của đường Trần Phú, đường Nguyễn Huệ, đường Lê Hồng Phong, đường Nguyễn Thị Minh Khai... Chiều xuống, những đám mây trắng lười biếng trôi qua bầu trời xanh sâu vô tận; mặt trời lặn trên dải bãi biển phía tây. Đêm, trăng lên, biển mênh mông gợn sóng vàng, bầu trời sao thăm thẳm.

Biển Côn Đảo có gam xanh dương, không xanh lục ngọc như Hạ Long. Ngày nắng, biển trải dài ra trước mặt khách lãng du một bảng màu hấp dẫn, xanh dương ở ngoài khơi, nhạt hơn phía gần bờ, đến bờ cát thì trong suốt như pha lê, những con sóng tung bọt trắng.

Ở đây ai cũng có thể tận hưởng cảm giác của những du khách sang trọng nhất, vì mỗi ngày tắm ở một bãi tắm khác nhau, bãi nào cũng tuyệt đẹp và hầu như không có người: Đầm Trầu, An Hải, Vông, Đất Dốc, Lò Vôi, Bãi Nhất… Ngay cả bãi tắm không có tên ngay trước thị trấn, nơi hoa muống biển nở hoa tím biếc, cũng đẹp như một bức tranh.

Mưa ở Côn Đảo ngắn ngủi, thoắt mưa, thoắt tạnh. Những đám mây bị núi chia cắt, mưa thường chỉ ào đến trong khoảng 15 – 20 phút. Ngay cả trong những ngày bị ảnh hưởng bởi bão Fengsheng, vẫn có những lúc mặt trời hiện lên rạng rỡ.

Côn Đảo có hai hồ nước ngọt lớn cung cấp nước ngọt cho toàn huyện: hồ An Hải và hồ Quang Trung. Hồ An Hải nằm trên con đường lên núi Thánh Giá, gần miếu An Sơn, rộng tới 30,969ha, chia làm hai khu: An Hải A và An Hải B. Hoa trang và hoa súng nở đầy trên mặt hồ, đến tối lại khép cánh ngủ. Hồ có nhiều cá bống, người dân địa phương hay tới đây câu cá. Cá bống hồ to bằng ngón tay cái, dài khoảng 10cm, kho tiêu hoặc tẩm bột chiên. Bờ hồ An Hải được kè đá gần hết, trừ phía An Sơn miếu, nơi những đồi cát trắng phủ đầy hoa mua, hoa bằng lăng và hoa ngũ sắc lan xuống ven hồ, những dải cát trải dài mềm mại dưới làn nước trong suốt. Hồ Quang Trung, rộng 23,608ha, nằm bên trụ sở rừng quốc gia Côn Đảo. Từ chợ Côn Đảo, đi thẳng đường Võ Thị Sáu khoảng 500m, sẽ thấy hồ nằm phía bên tay trái. Hồ Quang Trung cũng có rất nhiều cá bống.

Côn Đảo nhỏ, chỉ một hai ngày là tôi đã quen thuộc đường đi lối lại. Bạn có thể thuê xe máy ở đảo với giá 130 ngàn đồng/ngày, bao gồm tiền xăng để đi đến những điểm tham quan xa. Thị trấn nằm dọc theo biển, có những cây bàng cổ thụ rợp bóng. Người dân trên đảo vẫn gom trái bàng, phơi khô, dùng dao chẻ ra lấy nhân rang với đường hoặc muối để bán cho du khách như một món quà của đảo, bên cạnh mực khô, tôm khô và những món quà khác từ biển.

Nguồn: Báo SGTT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT