Non nước Việt Nam

Na Hang - Tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái

Cập nhật: 21/07/2008 09:07:55
Số lần đọc: 2190
Na Hang là huyện vùng cao phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, cách thị xã Tuyên Quang 108km, giáp 3 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn; với gần 20 dân tộc anh em chung sống. Thiên nhiên đã ban tặng cho Na Hang những cảnh vật kỳ vĩ, những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá. Na Hang giàu tiềm năng để trở thành vùng du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn.

Trước kia, đi từ thị xã Tuyên Quang lên Na Hang phải mất cả ngày đường nhưng bây giờ chỉ hơn hai giờ đi xe khách. Trong những năm gần đây Na Hang đã và đang trở thành một trung tâm buôn bán với nhiều hoạt động du lịch sính thái nhộn nhịp. Lãnh đạo đảng bộ và chính quyền tỉnh và huyện đặt mục tiêu phấn đấu, đến năm 2020 Na Hang sẽ là một thị xã sầm uất và phát triển mọi mặt.

 

Na Hang được biết đến bởi sức cuốn hút kỳ lạ của một vùng sinh thái và văn hóa phong phú của nhiều dân tộc như: Tày, Dao, Mông, Kinh... Người Na Hang đã tạo nên một kho tàng văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc, một vùng âm nhạc dân gian độc đáo với những làn điệu Then, Sli, Lượn...cùng với tiếng đàn Tính, tiếng Khèn làm say đắm lòng du khách.

 

Thiên nhiên đã ban tặng cho Na Hang nhiều tài nguyên quý báu, đặc biệt là tài nguyên rừng. Rừng chiếm 84,62% diện tích tự nhiên toàn huyện, có giá trị về kinh tế, có ý nghĩa quan trọng việc phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Khu Du lịch sinh thái Na Hang là một trong ba khu du lịch được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Phạm vi quy hoạch rộng 150.000 ha, trong đó diện tích lòng hồ là 8.000 ha. Na Hang đang phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Mảnh đất này chính là nơi hội tụ của hai con sông lớn: Sông Gâm và sông Năng với những dãy núi trùng điệp, hùng vĩ ; những hang động huyền ảo và đầy huyền thoại đã đi vào truyền thuyết và thơ ca.

 

Đến Na Hang chắc chắn sẽ không ai bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, quý khách sẽ được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, thơ mộng được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là thắng cảnh Quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung; ghe thăm thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát; thăm hang Phia Vài (hang người Việt cổ, nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá trên dưới 10.000 năm)...Những cánh rừng nguyên sinh của Na Hang có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài Voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới. Chân núi Pắc Tạ có đền thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật. Bà theo chồng kinh lý vùng sông Gâm và sông Năng và bị tử nạn. Người dân nơi đây nói rằng, ngôi đền này rất thiêng và du khách khắp nơi thường đến nơi cầu nguyện. Cũng trên đường du ngoạn bằng thuyền, du khách cũng thường ghé thăm và thắp hương ngôi đền Pắc Vãng.

 

Đi dọc sông từ Thượng Lâm, giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, là sừng sững chiếc “cọc Vài” đá (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc Trâu) gắn với sự tích Tài Ngào. Dọc đường đến Tân Xuân là gặp thác Nậm Mè (nghĩa là suối mẹ). Thác nước đổ như mái tóc buông xuống rừng cây đại ngàn, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ. Từ đoạn hợp lưu sông giữa Gâm với sông Năng, lại là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ, bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước thật lung linh kỳ vĩ. Những thác Tin Tát, Đén Luông, Đén Lang thật thơ mộng. Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung có diện tích rừng nguyên sinh 37.000 ha với những loài gỗ quý đinh lim, sến, nghiến... và những loài thú quý hiếm hổ báo, trăn, gấu, voọc mũi hếch... sẽ là khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

 

Na Hang ngoài phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vùng văn hóa đa dạng, còn hấp dẫn du khách bởi những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt Na Hang có rượu ngô men lá ngon nổi tiếng. Thứ rượu này uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say xỉn. Để làm được thứ ruợu thơm ngon này, phải qua một quy trình rất công phu. Nếu ai đã từng được thưởng thức thứ rượu thơm ngon nơi đây, có lẽ sẽ nhớ mãi cái hương vị đậm đà “khó quên” này.

 

Nói đến Na Hang không thể không nhắc đến công trình thuỷ điện Tuyên Quang nằm trên đại bàn của huyện. Công trình thủy điện lớn thứ ba toàn quốc này có công suất 342 MW gồm 3 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 1.295 triệu KW. Thủy điện Tuyên Quang gắn liền với vùng du lịch Na Hang huyền bí và thơ mộng.

 

Đồng chí Hứa Kiến Thiết, Bí thư huyện ủy Na Hang trong buổi làm việc với chúng tôi cho biết, huyện xác định du lịch sinh thái là ngành kinh tế mũi nhọn của Na Hang. Vài năm gần đây, du lịch đóng góp vào kinh tế của huyện ngày càng tăng và chắc chắn những năm tới đây, du lịch sẽ có đóng góp xứng đáng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Na Hang. Tỉnh Tuyên Quang và huyện Na Hang đã có kế hoạch gìn giữ và bảo tồn những khu du lịch sinh thái, những khu rừng tự nhiên để tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch của tỉnh nói chung và của huyện nói riêng.

 

 Anh Lê Thanh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang cho biết, sắp tới, Khu du lịch sinh thái Na Hang sẽ hình thành một số phân khu chức năng như Khu lâm viên Phiêng Bung (có sân bay mini, trường đua ngựa, sân gôn, bãi cắm trại...); khu lâm thủy Cọc Vài (gồm khu biệt thự, đảo nuôi thú, khu thể thao mạo hiểm, khu câu cá, bến cảng); khu thể thao trên nước; khu làng văn hóa lịch sử...Tỉnh và huyện đang kêu gọi đầu tư để xây dựng Na Hang thành một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn.

 

Na Hang - một lần bạn đến sẽ không quên !

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT