Non nước Việt Nam

Kỳ thú thác Voi, Lâm Đồng

Cập nhật: 15/08/2011 10:48:46
Số lần đọc: 3057
Con đường dài hơn 30 km men theo triền thông, thị trấn Nam Ban - một nét duyên Hà Nội giữa lòng cao nguyên hiện ra, thoảng trong gió là hương cà phê, xa xa nghe tiếng hát của nàng “Sơn nữ vọng phu”. Nàng đang ngày đêm cất tiếng hát gọi chồng. Đó là tiếng vọng của thác Voi.
Thác Voi là một trong những ngọn thác hùng vĩ vào bậc nhất Tây Nguyên… Xe vừa dừng là đã nghe tiếng ầm ầm réo gọi, đi về phía ấy chỉ thấy một dòng nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, bất chợt đứt gãy, đổ xuống thung lũng sâu.

Từ trên đỉnh thác ở độ cao 35m nhìn xuống ai cũng muốn đến được chân thác - nơi có những khối đá lô nhô, những thảm thực vật xanh mượt và những hang động kỳ thú. Muốn xuống được nơi đó phải trải qua một đoạn đường “chinh phục”. Bước xuống hơn 150 bậc đá, mỗi bậc là một góc độ, như một cảnh quay chậm của dải lụa trắng rộng 40m cùng ta cuốn xuống thấp, vô tận, không dứt. Hơi nước cuộn lên màn khói, hư ảo mà lại như cầm nắm và cảm nhận được rất rõ. Đến chân thác, bám theo dây leo rừng, bước lên những tảng đá lô nhô ra ngoài mặt nước. Tạo hóa thật khéo sắp đặt, 7 – 8 “con voi” (tảng đá) khoác trên mình tấm “áo choàng” xanh mướt của những thảm cỏ trông như đàn voi đang chen nhau tắm suối. Ngồi trên “lưng voi”, dưới chân là  dòng nước cuộn chảy qua các ngóc ngách đá, nhìn lên dòng thác - hiện lên trong mắt là một vẻ đẹp tuyệt vời.

Chiêm ngưỡng thác Voi từ nhiều góc độ mới thấy hết vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ của nó, nhưng nhìn từ chân thác nhìn lên là vẻ đẹp hoàn hảo nhất. Nước tuôn xối xả qua sườn núi đá hoa cương ánh lên bảy sắc phản chiếu dưới ánh sáng xiên của mặt trời buổi sớm. Khói tỏa, sương bay như lạc vào miền thần tiên.
Những khối đá lô nhô nơi chân thác cũng tạo ra những hang động là nơi trú ngụ của những đàn dơi lớn, có hang sâu đến 50m với vách đá sừng sững, hang Gió vi vút sáo trời… phía sau lưng là dòng thác khổng lồ trút nước. Hơi nước, bụi nước từ dòng thác bay mù mịt, bao phủ khiến đi dưới thảm thực vật, hay đi trong hang đá, những giọt nước đọng trên lá cây ngọn cỏ cứ lộp bộp trên đầu làm ta có cảm giác mưa rừng suốt quanh năm. Dù đã được đầu tư xây dựng nhưng hành trình chinh phục chân thác cũng lắm gian nan. Vừa đi, lại vừa leo trèo, có khi phải leo lên một khối đá lớn, rồi đổ xuống phía bên kia tảng đá, tay bám vào bất cứ thứ gì có thể để làm điểm tựa. Nhưng chính vẻ đẹp nguyên sinh đó, trong không gian tĩnh mịch, giữa bốn bề là rừng cây, núi đá, tiếng thác đổ đã tạo nên điều kỳ thú, hấp dẫn.

Trước đây, từ Đà Lạt đi Thác Voi phải qua quãng đường dài 70km: xuống đèo Prenn, rồi từ Liên Khương (Đức Trọng) theo hướng đi Đắc Lắc, đến huyện Lâm Hà rẽ vào Nam Ban và theo con đường nhỏ đến thác Voi. Bây giờ, con đường Đà Lạt – Nam Ban đã rút ngắn hơn một nửa so với trước đây. Từ Đà Lạt đi Cam Ly, qua Tà Nung, vào Nam Ban theo con đường trải nhựa thẳng tắp, cuối con đường là Thác Voi.

Từ ngày có xe buýt Phương Trang chạy tuyến Đà Lạt – Nam Ban thì đường đến thác Voi lại càng thuận tiện, ngày càng có nhiều du khách đến với thác Voi. Cùng với việc tiếp tục đầu tư tôn tạo, Ban quản lý khu du lịch đã quan tâm đến việc giữ gìn môi trường và bảo vệ cảnh quan để thác Voi luôn giữ vẻ đẹp hoang sơ - vẻ đẹp kỳ thú có sức hấp dẫn du khách.
 
Huyền thoại kể rằng: Xa xưa lắm, khi đất này còn là núi rừng hoang vu, có một người con gái đẹp là con của tù trưởng Jơi Biêng. Mỗi khi nàng cất tiếng hát thì lá rừng thôi xào xạc, chim muông ngừng tiếng hót để lắng nghe. Ở làng bên, có chàng trai vạm vỡ, gương mặt khôi ngô cũng là con vị tù trưởng và được nhiều người yêu mến, quý trọng bởi sự gan góc, dũng cảm ít ai sánh kịp. Đôi trai tài gái sắc yêu thương nhau tha thiết, đã trao lời thề hẹn nên duyên chồng vợ.

Nhưng rồi chiến tranh xảy ra, chàng trai ra trận, nhiều mùa trăng trôi qua mà vẫn không về. Chờ đợi, đau khổ, nàng sơn nữ tìm đến ngọn núi hoang vắng – nơi họ từng hò hẹn cất tiếng hát thiết tha mong người yêu mau trở về. Tiếng hát khiến loài chim B’ling xúc động, chúng rủ nhau bay đi dò la tin, rồi về báo cho cô gái biết, chàng trai đã hy sinh ở chiến trường. Không tin vào sự thật, sơn nữ vẫn cứ hát, hát đến khi kiệt sức và chết gục, đàn voi phủ phục nghe nàng hát cũng hóa đá lặng câm. Bỗng có tiếng nổ lớn long trời lở đất, ngọn núi gãy ngang, một dòng thác ào ào tuôn chảy tung bọt trắng xóa, hòa cùng tiếng xào xạc của cây rừng, tiếng chim hót líu lo như nối tiếp lời ca bất tử của người sơn nữ thủy chung. Người K’Ho gọi thác là Liêng Rơwoa Jơi Biêng – thác Voi.
Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT