Hành trang lữ khách

Độc đáo trống K’toang Vân Canh, Bình Định

Cập nhật: 16/08/2011 15:12:22
Số lần đọc: 2403
Trong kho tàng âm nhạc của người Chăm H’roi ở Vân Canh, trống K’toang là loại nhạc cụ đặc trưng nhất và đang được người dân chú trọng giữ gìn, phát huy trong đời sống hiện đại…

Một nhạc cụ độc đáo

Người Chăm H’roi có 2 loại trống: L’toang và K’toang. Trống L’toang thường chỉ dùng để độc tấu, các động tác đánh trống thường được mô phỏng theo dáng đi, kiểu chạy nhảy của muông thú. Người Bana, người H’re cũng thường dùng trống này để hòa âm với cồng, chiêng, tốc chinh…

Với trống K’toang, người Chăm H’roi thường dùng để hòa âm với chiêng ba. Song cách để K’toang và người đánh bộc lộ nét hấp dẫn nhất là hình thức song tấu, tức là đánh theo lối đối đáp. Khi ấy, cả nhạc cụ và người chơi sẽ cùng toát lên cái phóng khoáng, ngẫu hứng, mạnh mẽ và quyến rũ.

Theo anh Minh Thanh Thảo, một người Chăm H’roi dành nhiều thời gian nghiên cứu về văn hóa bản địa, trống K’toang thể hiện đặc điểm tâm hồn, là “tiếng lòng” của người Chăm H’roi: Lạc quan, mạnh mẽ, rộng mở.

Biết đánh K’toang không khó, song đánh đúng, đánh hay và đánh “có thần” lại không dễ. Để đánh trống hay, người chơi phải thẩm âm tốt, nắm vững tiết tấu, điệu bộ hợp lý và không thể thiếu sự ngẫu hứng - một phong thái như nhập tâm vào giai điệu. Bài trống K’toang đánh đôi, đánh tập thể (chia làm hai đội trống so tài) là một hình thức đối đáp, so kè nhau. Các già làng Chăm H’roi ở Vân Canh kể, ngày xưa, trống K’toang dùng để thử tài giữa trai làng này với làng khác. Người đánh trước để “dẫn đường” bằng tiết tấu, người đánh sau đáp trả. Sự thắng - bại được mặc định bằng việc người đánh sau có đáp trả hòa hợp với tiết tấu của người đánh trước hay không; hoặc nếu khả năng thẩm âm của người đánh sau không tốt, đánh trùng với nhịp tay của người đánh trước thì xem như thua. Ví dụ người đánh trước đánh: P’lack-T’ing-T’ing (P’lack là đánh mạnh vào phần tang trống, còn T’ing là đánh vào phần mặt trống) thì người đánh sau sẽ đáp trả bằng: T’ing-P’lack-P’lack. Một khi người đánh trước và người đánh sau đều có khả năng thẩm âm tốt, có tài năng so kè nhau, điệu trống sẽ được đảo phách liên tục, khiến người nghe cảm nhận được sự rộn ràng, như giục giã; bằng ngược lại, sẽ làm cho tiếng trống trùng lắp, lạc điệu. Ngày xưa, khi đối đáp mà thua cuộc, người thua thậm chí còn rút “dao bảy” ra tự rạch mặt trống của mình.

Và người diễn tấu đặc biệt

K’toang vốn dành cho nam giới, song hơn 10 năm trở lại đây, người đánh trống K’toang hay nhất ở Vân Canh lại là một phụ nữ: chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, 45 tuổi, người làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh. Sự tài hoa, thần thái của chị Hương gắn liền với chiếc trống K’toang dễ khiến gợi nhớ đến nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận với dàn trống trận Tây Sơn. Gần 10 lần xuất hiện biểu diễn tại các kỳ Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh, tiết mục biểu diễn trống K’toang của chị Hương luôn tạo ấn tượng đặc biệt. Những người làm công tác văn hóa - văn nghệ ở Vân Canh thường chọn chị Hương cùng với một nghệ nhân nam đánh bài trống K’toang để đi biểu diễn. Điều này dẫn đến ngộ nhận rằng bài trống K’toang mà chị Hương cùng một nghệ nhân nam thường biểu diễn là bài trống “Giao duyên”. Tuy nhiên, trống K’toang đối đáp của người Chăm H’roi mang nghĩa rộng hơn, đó có thể là đối đáp theo kiểu song tấu, hay đối đáp tập thể, giữa hai người cùng giới hay khác giới.

Trường hợp nghệ nhân Ngọc Hương đánh trống K’toang được xem là “độc nhất vô nhị” bởi trước chị Hương không có người nữ nào đánh trống K’toang cả. Theo quan niệm của người Chăm H’roi, nữ giới là hiện thân của sự mềm mỏng, nhu mì, nhẹ nhàng. Bàn tay của người phụ nữ chỉ có thể sử dụng các loại nhạc cụ nhẹ nhàng như đàn P’ró, hoặc loại kèn giống như kèn môi được làm bằng cọng lúa. Đánh trống K’toang không phải là việc nhẹ nhàng. Việc dùng đôi bàn tay không để đánh cả phần mặt trống và tang trống, liên tục và mạnh mẽ, ngay với nam giới đã là một sự dụng sức. Đó là chưa kể đến việc mang trống trên vai khá nặng, phải di chuyển liên tục, động tác chân thường đứng kiểu “xuống tấn”, sẽ phần nào làm giảm đi vẻ dịu dàng của người nữ. Tuy nhiên, chị Hương chia sẻ: “Ngày nhỏ, thấy những người nam làng mình, đánh K’toang, tôi đã ước có ngày sẽ sử dụng thành thạo nhạc cụ này. K’toang cho tôi sự tự tin, mạnh mẽ, phóng khoáng. K’toang cũng rất sâu lắng. Người chơi vừa phải biết lắng nghe, lại vừa trả lời kịp lúc, thuyết phục. Khi đã mê say theo điệu trống, tâm hồn bay bổng, cái đau của đôi bàn tay có là gì!”.

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục