Hòa Bình: Bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách
Những ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi chọn bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) là điểm tham quan du lịch. Tại đây, chúng tôi gặp một đoàn du khách quốc tế đang háo hức trò chuyện, tìm hiểu phong tục, tập quán, những sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống của người dân nơi đây. Anh Trần Thái Tuấn, hướng dẫn viên du lịch thuộc Công ty lữ hành Phương Bắc cho biết: Du khách quốc tế đến Việt
Cách trung tâm TPHB khoảng 12 km, bản Giang Mỗ tách biệt hoàn toàn với những bụi bặm, ồn ào của phố thị. Khung cảnh lãng mạn như tranh của bản Giang Mỗ là nơi dừng chân lý tưởng dành cho bất cứ ai muốn tìm kiếm cảm giác bình yên. Đó là một bản làng xinh xắn nằm dưới một thung lũng nhỏ, khiêm tốn nép mình giữa màu xanh của núi đồi, ruộng nương. Điểm nổi bật tạo nên sức hút đặc biệt cho bản Giang Mỗ là những nếp nhà sàn dân tộc Mường, sau bao nhiêu năm tháng vẫn giữ được vẹn nguyên nét mộc mạc với gần 100 ngôi nhà sàn của người Mường còn giữ nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo, cung nỏ săn bắn, ruộng bậc thang cùng phương thức làm ruộng truyền thống, các lễ hội, phong tục tập quán Mường được người dân tái hiện từ thực tế cuộc sống....
Ở bản Giang Mỗ, du khách có thể thong thả dạo bước giữa không gian tĩnh lặng, đắm mình tận hưởng màu xanh của bản làng hoặc có thể dừng lại ở bất kỳ ngôi nhà nào mà mình thấy thích, tìm hiểu văn hóa Mường qua câu chuyện với chủ nhà, qua cách bài trí, sinh hoạt hàng ngày của người dân trong bản và cảm nhận nếp sống mộc mạc, thuần hậu của con người nơi đây... Du khách được các thiếu nữ Mường trong trang phục truyền thống giới thiệu về nghề thủ công truyền thống, trang phục dân tộc, những sản phẩm dệt thổ cẩm: túi xách, khăn, áo; các loại nhạc cụ, phương tiện đánh bắt gia súc, gia cầm... Nếu dừng chân nghỉ qua đêm, du khách có nhu cầu, các chàng trai, cô gái Mường biểu diễn những điệu múa đặc sắc trong tiếng trống, chiêng, sáo ôi, đàn bầu... và hát cho nghe những làn điệu dân ca Mường cổ.
Đến với bản Giang Mỗ, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Mường như: xôi nếp nương, xôi nếp cẩm, thịt lợn luộc bày trên lá chuối, cá suối đồ cùng rượu cần thơm ngon đặc biệt để lại ấn tượng khó quên. Trong không gian yên tĩnh, trong lành của một bản Mường truyền thống, lần lượt khám phá văn hóa Mường ở Giang Mỗ, nhiều du khách có cảm nhận như được bước đi trong những cung bậc của sự ngạc nhiên, thú vị, bất ngờ...
Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch
Mai Châu là huyện đầu tiên của tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng về sinh thái, văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Từ những năm đầu thập kỷ 90, du khách biết đến Mai Châu với các bản làng văn hóa của dân tộc Thái như: bản Lác, bản Văn. Đến nay, ở Mai Châu có gần 10 bản được huyện đưa vào khai thác phát triển du lịch cộng động như: bản Lác (xã Chiềng Châu), văn, Pom Coọng (thị trấn Mai Châu), Nhót (xã Nà Phòn), Xà Lĩnh (xã Pà Cò), Bước (xã Xăm Khoè), Pù Bin, Cun Pheo, Piềng Vế...
Theo thống kê của ngành VH-TT&DL, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 bản, làng du lịch - văn hoá. Hàng năm, các địa phương tổ chức trên 30 lễ hội văn hoá đậm đà bản sắc như: lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thuỷ), lễ hội chùa Hang (Yên Thuỷ), lễ hội đền Bờ (Cao Phong), lễ mừng cơm mới của dân tộc Mường, lễ hội chá chiêng của dân tộc Thái, Tết truyền thống của đồng bào Mông (Mai Châu)... Thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, UBND tỉnh đã ban hành quy chế bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, danh thắng; phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có hơn 20 di tích được đầu tư, trùng tu, tôn tạo. Lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài tiêu biểu đã nghiên cứu như đám tang và lễ mừng cơm mới của dân tộc Mường, lễ hội chá chiêng của dân tộc Thái; sưu tầm lễ cấp sắc của người Dao Quần chẹt; lễ cưới cổ truyền của người Mường, người Thái (Mai Châu); sưu tầm nghề thủ công rèn đúc của người Mông xã Pà Cò (Mai Châu); kiểm kê phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc trong tỉnh... Bên cạnh đẩy mạnh thu hút đầu tư về du lịch, tỉnh đang dành một khoản ngân sách để đầu ta xây dựng, tôn tạo một số bản làng truyền thống như: dự án bảo tồn làng Mường cổ ở xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) đang được triển khai với mục đích lưu giữ quần thể kiến trúc làng Mường cổ, nếp sống, sinh hoạt của cư dân bản địa. Qua đó tạo thêm nhiều điểm du lịch cộng đồng để thu hút du khách đến tỉnh.
Theo ngành VH-TT&DL, mặc dù mới được đưa vào khai thác khoảng hơn 10 năm nay, thế nhưng hoạt động du lịch cộng đồng đang được tỉnh xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế du lịch. Du lịch cộng đồng đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân thể hiện ở chỗ, trước hết, người dân có được nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách và những nguồn thu này đôi khi lớn hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Tiếp đến là những lợi ích từ phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra còn những lợi ích thiết thực khác như: việc làm, giao lưu văn hoá và đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hoá được nâng cao. Việc người dân tự ý thức được nguồn lợi từ du lịch đem lại từ giữ nếp sống hàng ngày, giữ bản sắc văn hoá và giữ chữ tín với du khách là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của du lịch cộng đồng. Việc tổ chức các điểm du lịch ở thôn, bản giúp người dân ở các bản này có nguồn thu nhập khá ổn định.
Theo ông Ngô Trọng Thược, Trưởng Phòng nghiệp vụ Du lịch (Sở VH-TT&DL), phát triển du lịch cộng đồng là dựa vào dân, dân tự làm. Do vậy cần tuyên truyền để người dân giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá bản địa của mình. Đồng thời, không ngừng củng cố, sưu tầm và phát triển rộng hơn nền nghệ thuật dân ca, dân vũ của mình để phục vụ cho du lịch. Tuy nhiên, để hoạt động du lịch cộng đồng thực sự phát triển cần có sự hỗ trợ từ phía cộng đồng về vốn, kỹ năng nghề nghiệp du lịch và có hành lang pháp lý rõ ràng đối với hoạt động du lịch, với khách du lịch...