Hà Giang: Khai thác tiềm năng du lịch ở Đồng Văn
Tại huyện Đồng Văn trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2006 đến nay, lĩnh vực du lịch của huyện có bước phát triển vượt bậc. Nhiều loại hình du lịch được hình thành. Nhiều loại hình dịch vụ bổ trợ du lịch như ăn uống, giải khát vui chơi giải trí được phát triển. Cơ sở hạ tầng du lịch, các điểm du lịch của huyện đang từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp đưa vào sử dụng. Hiện nay toàn huyện có 6 cơ sở lưu trú với 132 phòng nghỉ,10 nhà hàng ăn uống và nhiều quầy hàng lưu niệm, hàng ăn uống giải khát như cà phê Phố, các quán ăn đêm, các nhà hàng Karaoke, các điểm vui chơi giải trí khác thường xuyên hoạt động kinh doanh phục vụ khách thăm quan du lịch. Góp phần thu hút lượng khách du lịch đến Đồng Văn giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 21,4%/năm. Riêng năm 2010, đã có trên 32.000 lượt khách đến tham quan, du lịch. Doanh thu từ du lịch đạt trên 3,5 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, có 4.454 đoàn với 28.551 khách, trong đó khách quốc tế là 386 đoàn, 1.221 khách. Trong dịp Quốc khánh 2.9 tại các điểmCột cờ Quốc gia Lũng Cú,khu di tích Nhà Vương có hơn 1.800 lượt khách, doanh thu trên 18 triệu đồng.
Tuy nhiên, công tác phát triển lĩnh vực Du lịch - Dịch vụ trên địa bàn huyện chưa đồng đều; những kết quả đạt được chưa bền vững, tương xứng với tiềm năng thế mạnh, cơ hội phát triển thực tế đặt ra; các cơ sở dịch vụ du lịch phát triển chậm; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, cơ sở vật chất phát triển tự phát, thiếu tính kế hoạch dài hạn. các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu chưa phong phú đa dạng về chủng loại và thiếu hấp dẫn về hình thức; chất lượng dịch vụ chưa cao; hiệu quả hoạt động kinh doanh Du lịch còn thấp; lượng khách lưu trú qua đêm, đặc biệt là khách quốc tế còn ít. Ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Công tác quản lý nhà nước về du lịch đặc biệt là công tác quy hoạch, đầu tư, khai thác, quẩn lý vệ sinh môi trường ở các điểm du lịch chưa được giải quyết tốt.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do một bộ phận cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành và nhân dân chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển Du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực phục vụ Du lịch, còn thiếu và yếu về chuyên môn, chưa có kinh nghiệm và năng lực phục vụ. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư hoàn chỉnh, các dịch vụ phụ trợ du lịch còn nhiều mặt yếu kém; cơ sở lưu trú còn kém về chất lượng, quy mô nhỏ bé. các hoạt động tuyên truyền quảng bá chưa được quan tâm đúng mức; chưa có quy hoạch chi tiết đi kèm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với Du lịch.
Để khắc phục những hạn chế trên và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch, BCH Đảng bộ huyện đã ra Nghị quyết về phát triển du lịch - dịch vụ giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến năm 2020 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2015 đón 60.000 lượt khách du lịch trở lên. Từ năm 2016 trở đi, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 10%/năm. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ đến năm 2015 đạt trên 24 tỷ đồng, các năm tiếp theo tăng trưởng bình quân 25%/năm. Xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cho du lịch, đến năm 2015 có 12 cơ sở lưu trú với 250 phòng nghỉ trở lên, trong đó có 01 đến 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn, Đáp ứng được trên 500 khách du lịch đến nghỉ trong ngày. Đồng thời quan tâm đúng mức việc phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê để phát triển loại hình du lịch ở nhà dân... Để đạt được mục tiêu đó, huyện đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: Quy hoạch phát triển đa dạng mạng lưới các điểm du lịch, các tua, tuyến du lịch trên địa bàn huyện như: Du lịch văn hoá cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh và liên kết với các tua tuyến du lịch của các huyện trong và ngoài tỉnh.Ban hành cơ chế chính sách quản lý, ưu đãi đầu tư, tranh thủ mọi nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc trước mắt và lâu dài. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư vào kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện nhất là những khu vực trọng điểm để tạo điểm nhấn khu di tích Nhà Vương; Cột cờ Lũng Cú; thị trấn Phố Bảng; khu phố cổ trung tâm thị trấn Đồng Văn... Xây dựng, củng cố và đưa vào hoạt động các làng văn hoá du lịch Lô Lô Chải, Thèn Pả xã Lũng Cú; làng Lũng Cẩm trên xã Sủng Là; Sủa Pả A xã Phố Cáo; Séo Lủng xã Sảng Tủng, Lũng Hòa xã Sà Phìn; Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn; Phố Trồ thị trấn Phố Bảng. Kết hợp sưu tầm khôi phục các nét văn hoá vật thể, phi vật thể đặc sắc như: các làm điệu dân ca, điệu múa và các lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch. Trong đó tập trung xây dựng 4 làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới ở Lũng Cẩm Trên xã Sủng Là; làng Phố Trồ thị trấn Phố Bảng; Lô Lô Chải, Thèn Pả xã Lũng Cú; đảm bảo phục vụ nhu cầu, ăn nghỉ tại chỗ của du khách. Thành lập 02 Đội văn nghệ tại Lô Lô Chải xã Lũng Cú, Lũng Cẩm Trên xã Sủng Là...
Với lợi thế về tiềm năng và sự cố gắp, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong huyện, hi vọng rằng du lịch – dịch vụ ở Đồng Văn ngày càng phát triển, góp phần vào công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội ổn định, bền vững.