Hòa Bình: Giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống
Đối với nhiều người dân trong tỉnh nói chung, TPHB nói riêng, cồng chiêng được coi như một bảo bối trong nhà, họ lưu giữ, bảo vệ như những đứa con tinh thần của mình. Chính vì thế, không ít người đã bỏ công sức cũng như tiền của để sưu tầm bộ cồng chiêng ưng ý. Nhờ đó, số lượng cồng chiêng được bảo tồn tại các hộ gia đình ngày càng tăng. Trước đây, chỉ có khoảng 80 chiếc cồng chiêng, đến nay, qua thống kê, TPHB đã có trên 500 chiếc. Cồng chiêng chủ yếu tập trung ở các xã Sủ Ngòi, Yên Mông và Dân Chủ với số lượng lớn. Không chỉ lưu giữ, lưu truyền mà nhiều người còn thuộc nhiều bài cồng chiêng được thể hiện trong những dịp lễ, hội khác nhau trong năm. Các nghệ nhân và những người nhiều kinh nghiệm truyền dạy lại cho thế hệ trẻ với mong muốn nét văn hóa của dân tộc mình không mai một. Các lớp học miễn phí được mở do các nghệ nhân tự nguyện truyền dạy đã góp phần khôi phục nét đẹp văn hóa cồng chiêng trong đời sống văn hóa, nhất là trong thế hệ trẻ. Nhằm đẩy mạnh phong trào đó, từ năm 2007-2009, Phòng VH-TT thành phố đã mở được 3 lớp dạy cồng chiêng cho gần 100 thiếu niên, nhi đồng. Cùng với đó đã không ngừng củng cố và duy trì phong trào trong quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, đến TPHB chúng ta dễ dàng mua, hay may các bộ trang phục truyền thống các dân tộc tại 4 cơ sở chuyên may phục vụ cho nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương. Không những thế, các loại nhạc cụ dân tộc, vật dụng gia đình như cây nỏ, hái, dao, cồng, chiêng, sáo, nhị có 3 cơ sở chuyên sản xuất. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn Thực, tổ 14, phường Thái Bình chuyên sản xuất các loại nhạc cụ, đồ chơi dân gian phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày và biểu biễn nghệ thuật, trưng bày.
Để quảng bá không gian văn hóa Mường truyền thống đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, vừa qua, thành phố đã đầu tư 500 triệu đồng về hạ tầng du lịch gồm công trình nước sạch, giao thông cho Bảo tàng không gian văn hóa Mường và 4 cụm dân cư sống quanh Bảo tàng nhằm duy trì nếp sống, sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, thành phố đầu tư hơn 7 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo đình Ngòi thuộc xóm Ngòi, xã Sủ Ngòi (di tích xếp hạng cấp tỉnh). Hiện UBND tỉnh đã cấp 3 ha đất tại đồi Ba Vành tổ 21, phường Tân Thịnh quy hoạch khu văn hóa tâm linh gồm: chùa Hòa Bình và đền Mẫu. Ngoài ra, trong năm 2008, Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam đã phối hợp với Phòng VH-TT nghiên cứu gìn giữ âm nhạc dân tộc tại xã Yên Mông và xã Thống Nhất phục dựng lại tết nhảy của đồng bào Dao, nhờ đó tết nhảy được duy trì trong cách tổ chức buổi lễ khoa học, đúng với bản sắc dân tộc. Địa điểm Bác Hồ về thăm trường Thanh niên XHCN Hòa Bình là di tích xếp hạng cấp tỉnh (tiền thân của trường PTDTNT tỉnh) được trùng tu, tôn tạo với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng. Các di tích và lễ hội được khôi phục sẽ hình thành được điểm văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cho người dân địa phương.
Văn hóa truyền thống được gìn giữ thể hiện rõ trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng. Tại mỗi hội diễn, giao lưu nghệ thuật tại mỗi xóm, bản hay do thành phố tổ chức đều duy trì 40% trở lên là các tiết mục dân ca, dân vũ các dân tộc. Nhờ thế, trong mỗi hội diễn văn nghệ đều thấy được sự phong phú, đa dạng về thể loại, nội dung và đậm đà bản sắc dân tộc.