Phong tục cưới của người Thu Lao ở Lào Cai
Người Thu Lao là một trong những dân tộc ít người, chỉ có ở Lào Cai, họ sống tập trung ở khu vực thượng nguồn sông Chảy thuộc các thôn La Hờ, Lũng Thắng, La Măng, Thải Giàng Sáng (xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương); thôn Sán Chá (xã Thào Chư Phìn), thôn Tả Chải (xã Nàn Sán), thôn Khuốn Pống (xã Bản Mế thuộc huyện Si Ma Cai).
Lễ cưới của người Thu Lao trải qua nhiều nghi lễ khác nhau, như lễ dạm gõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới chính thức và lễ lại mặt. Để tổ chức lễ cưới, gia đình nhà trai phải nhờ một người đàn ông có tài ăn nói, có gia đình khá giả, đầy đủ con trai, con gái làm ông mối - "pu dơ" sang thưa chuyện với gia đình nhà gái để tiến hành các bước đi đến lễ cưới chính thức. Khi đến gia đình nhà gái, ông mối sẽ dùng những lời hay ý đẹp để thuyết phục nhà gái đồng ý.
Còn về phía nhà gái, mặc dù trong lòng đã ưng thuận, nhưng bên ngoài vẫn tỏ ra chưa đồng ý để nhà trai phải cử ông mối sang nhiều lần. Phải đến lần thứ ba, ông mối sang nói chuyện gia đình mới nhận lời để tăng thêm giá trị của người con gái, không sợ bị bà con làng bản chê cười.
Sau lễ dạm ngõ một thời gian, gia đình nhà trai chọn ngày tốt, nhờ ông mối mang theo một đôi gà, ba lít rượu mang sang nhà gái làm lễ ăn hỏi. Ngày lễ ăn hỏi, gia đình nhà gái sẽ mời ông trưởng họ, bà cô, ông bác và anh em trong dòng họ tiếp đón đoàn nhà trai mang lễ vật sang làm lễ ăn hỏi và cùng bàn bạc đi đến lễ cưới chính thức. Hai gia đình sẽ cùng bàn thống nhất số lễ vật mà gia đình nhà trai phải trả cho nhà gái vào ngày cưới chính thức. Theo phong tục của người Thu Lao trước đây, lễ vật thách cưới bao gồm: 4 chiếc cúc áo bằng bạc, 4 vòng tay, 4 chiếc nhẫn bạc, 3 đồng bạc trắng, 80 kg lợn hơi, 80 lít rượu, 1 con trâu.
Lễ cưới chính thức thường được các gia đình tổ chức vào khoảng thời gian từ tháng 9 - 11 âm lịch, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong. Gia đình nhà trai sẽ cử ông mối, cùng ông chú rể hoặc bà cô cùng một số chàng trai bạn của chú rể khiêng lễ vật sang nhà gái để đón dâu. Ngoài những lễ vật gia đình nhà gái thách cưới, gia đình nhà trai phải mang theo 22 chiếc bánh dày để làm lễ xin mở cửa. Đến giờ hoàng đạo, phái đoàn nhà trai bắt đầu xuất phát sang nhà gái đón dâu, đi đầu đoàn rước bao giờ cũng là ông mối, tiếp đó là em chú dắt ngựa, rồi đến đoàn thanh niên khiêng lễ vật.
Theo phong tục của người Thu Lao, khi đi rước dâu bao giờ gia đình cũng phải chuẩn bị trước một con ngựa tốt được trang trí lộng lẫy bằng dải lụa hồng để rước cô dâu về, em của chú rể sẽ là người dắt ngựa đón chị dâu, ngoài ra còn có một hai người cùng giúp đỡ cô dâu ngồi lên yên ngựa. Khi đoàn đón dâu nhà trai đến cửa nhà gái, ông mối phải cất lời hát xin nhà gái mở cửa cho vào nhà, nhà gái đứng bên trong hát vọng ra với những lời từ chối bông đùa, khi thì không có chìa khoá, khi thì chìa khoá không vừa... Số lần từ chối phải đủ 22 lần. Mỗi lần, ông mối phải đưa qua khe cửa 1 cái bánh dày. Sau khi đưa cái cuối cùng, nhà gái mới mở cửa cho vào.
Sau khi vào nhà, nhà trai tiến hành giao đồ thách cưới cho nhà gái, gia đình nhà gái sẽ cử một người là bà cô hoặc ông chú là người kiểm kê số lễ vật nhà trai mang sang có đủ không. Sau đó họ đặt đồ lễ lên một chiếc bàn để trong nhà, rồi gia chủ thắp hương báo cáo với tổ tiên là hôm nay gia đình nhà trai đã mang lễ vật đến xin con gái của gia đình về làm dâu, mong tổ tiên phù hộ cho chúng sau này có cuộc sống hạnh phúc. Trước khi về nhà chồng, bố mẹ cô gái sẽ mang một chiếc ghế dài đặt ở gian giữa rồi mời những người cao tuổi nhất trong nhà để hai vợ chồng lạy tạ ơn. Hai vợ chồng sẽ lạy tạ ơn lần lượt từng người, sau đó họ mừng lại đôi vợ chồng mỗi người từ 10.000 - 50.000 đồng để chúc phúc cho hai vợ chồng. Còn bố mẹ cô dâu có của hồi môn cho con gái mang theo cũng công bố trước mọi người và phái đoàn nhà trai biết.
Khi cô dâu bước ra khỏi cửa, gia đình nhà gái thường mời một thầy mo đến làm lễ ra khỏi cửa với ý nghĩa gột rửa sạch sẽ những gì không may mắn, không tốt của cô gái trước khi về nhà chồng, đồng thời cũng báo cho tổ tiên biết là từ nay người con gái này không còn là thành viên của gia đình nữa. Sau đó, cô gái được phái đoàn nhà trai đỡ lên ngựa thắng hồng, mặt che kín bằng vải đỏ, đầu đội nón hoặc che ô theo đoàn rước về nhà chồng.
Khi về đến cửa nhà trai, cô gái được đỡ xuống ngựa, sau đó gia đình nhà trai đã chuẩn bị sẵn một chiếc bàn đặt trước cửa, một chiếc bừa hoặc cày đặt chắn ngang trước cửa ra vào với ý nghĩa là những thử thách đối với người con gái trước khi bước vào nhà chồng mà cô phải vượt qua, đồng thời còn mang ý nghĩa là vũ khí ngăn các loại tà ma, những gì không tốt đẹp, không may mắn theo cô gái vào gia đình. Sau khi làm lễ cúng gia tiên xong, chú rể, cô dâu phải thi nhau chạy thật nhanh để tranh phòng, với ý nghĩa người nào vào phòng trước thì sau này người đó sẽ làm chủ gia đình. Lúc đó cô dâu mới bỏ khăn che mặt rồi cùng chú rể đi lấy thóc hoặc cỏ để mang cho con ngựa ăn với ý nghĩa cảm ơn con ngựa đã mang cô dâu về nhà, sau đó mọi người cùng ngồi vào mâm ăn uống, chúc tụng vui vẻ suốt đêm, đến sáng hôm sau, phái đoàn rước dâu mới ra về, đồng thời nhà trai cũng chuẩn bị lễ vật gồm: 1 đôi gà, 1 chai rượu về nhà bố mẹ vợ làm lễ lại mặt.