Non nước Việt Nam

Thổ cẩm trong đời sống người Tày

Cập nhật: 16/09/2011 11:01:35
Số lần đọc: 2797
Cùng với ẩm thực và ngôn ngữ thì trang phục cũng là một yếu tố để nhận biết các dân tộc với nhau. Trang phục của người Tày chỉ đơn giản một màu chàm, nhưng nét đặc sắc mang đậm sắc thái dân tộc lại thể hiện ở chính những mẫu hoa văn trên thổ cẩm của họ.

Ngay từ nhỏ, mỗi người con gái Tày đều được mẹ dạy dệt thổ cẩm. Sự phối hợp đôi khi là các màu sắc rực rỡ, với độ tương phản cao. Có lúc lại là sự hòa sắc trầm dịu, hoặc sáng tươi. Các sắc thái khác nhau cho thấy thổ cẩm dân tộc Tày không hề gò bó trong một quy thức hòa màu hạn chế nào.

Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Tuy nhiên, hiện nay do giá tơ tằm đắt nên người dệt thổ cẩm dùng len để thay thế. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công, chính đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ Tày, những tấm thổ cẩm trở nên vô cùng đặc sắc.

Bạn có thể dễ dàng nhận thấy sức sáng tạo, sự phong phú và đa dạng của những người nghệ nhân. Từ những tấm thổ cẩm tự tạo ấy người phụ nữ Tày may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc.

Đó chính là dấu ấn của sự phát triển trong trang trí dệt thổ cẩm của người Tày. Nó phần nào đáp ứng được những nhu cầu của cuộc sống ngày một đa dạng phong phú về các mặt văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc.

Ngoài việc trao tặng cho những đôi vợ chồng mới cưới thì trong tang lễ của người Tày thổ cẩm cũng là một thứ không thể thiếu. Người con dâu sẽ dùng tấm thổ cẩm được trao tặng trong ngày cưới để vắt lên bàn thờ cho cha hoặc mẹ chồng để thể hiện tình cảm của mình. Người con gái thì dùng những tấm thổ cẩm được may theo nghi thức để làm tròn đạo hiếu.

Ngày nay, dù kiểu cách có thay đổi nhưng những họa tiết hoa văn trong mỗi tấm thổ cẩm vẫn luôn chứa đựng những yếu tố tâm linh trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Tày.  

Nguồn: VTV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT