Đón đầu xu hướng phát triển du lịch mới
Ảnh: Thế Phi
TCDL vừa trình lãnh đạo Bộ VHTTDL một số biện pháp cụ thể. Trong đó có việc đề nghị Bộ trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch năm 2011- 2015. Qua chương trình, dành lượng kinh phí phù hợp để in và phát hành ấn phẩm quảng bá du lịch Việt Nam cả ở trong nước và ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, đã nhiều lần Bộ VHTTDL, TCDL đề nghị Chính phủ một số chính sách như: Miễn, giảm thuế cho xe chở khách chất lượng cao 45 chỗ; chính sách miễn visa; hoàn thuế GTGT cho khách du lịch; cho phép xe chở khách du lịch vào các khách sạn, điểm du lịch tại các thành phố lớn; hỗ trợ các khách sạn về giá điện; khuyến khích tạo các khu mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ để tăng dịch vụ và tăng thu từ khách du lịch, phát triển các trạm dừng chân dọc đường quốc lộ trên các tuyến du lịch…
Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có chính sách miễn visa cho một số thị trường đã được thực hiện và Bộ Tài chính đang chủ trì đề án Hoàn thuế GTGT cho khách du lịch. Các chính sách còn lại hầu như chưa nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương hoặc còn vướng mắc trong khâu triển khai...
Chính vì vậy, cần có sự chỉ đạo vĩ mô từ Chính phủ đối với các Bộ như Tài chính, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Công an… để tạo ra sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành trong phát triển du lịch.
Lần này, TCDL tiếp tục đề nghị miễn thuế nhập khẩu cho xe chở khách du lịch chất lượng cao trên 45 chỗ. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trạm dừng chân, cảng tàu biển phục vụ khách du lịch, cảng hàng không, các khu mua sắm chất lượng cao và phát triển hàng hóa thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch. Việc mở rộng xã hội hóa, đa dạng dịch vụ, tăng chi tiêu của khách du lịch đã được nhiều quốc gia phát triển du lịch trong khu vực (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan) triển khai tốt.
Đây cũng là những khoản thu lợi chính từ hoạt động du lịch và mang lại sự hài lòng cho du khách như dịch vụ spa, chăm sóc sức khỏe, mua sắm hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, quà tặng, xem biểu diễn nghệ thuật…
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều sản vật nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa khai thác và chưa biết cách marketing để mau chóng thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế, để họ chi nhiều tiền hơn tại Việt Nam.
TCDL thời gian tới sẽ tổ chức các hội thảo, kết hợp với các địa phương, doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, các trường đại học, các công ty thương mại để khuyến khích xã hội hóa cung ứng các dịch vụ, hàng hóa chất lượng cao phục vụ du khách trong quá trình tham quan du lịch tại Việt Nam.
TCDL cũng tham mưu cho Bộ VHTTDL đề nghị Chính phủ cho phép gia hạn thời gian miễn visa cho khách Nhật Bản từ 15 ngày lên 45 ngày nhằm đón đầu xu thế bùng nổ khách Nhật đi nghỉ dưỡng và làn sóng đầu tư ra các nước.
Đây sẽ là động lực thúc đẩy thêm các hoạt động xúc tiến quảng bá của du lịch và hàng không Việt Nam đối với thị trường quan trọng hàng đầu này. Hiện nay, Hàng không Việt Nam đã cam kết đầu tư 2 triệu USD và nâng tần suất các chuyến bay từ 570.000 ghế/năm lên 650.000-730.000 ghế/năm từ các trung tâm của Nhật Bản tới Việt Nam.
Cũng trong dịp này, Bộ VHTTDL sẽ đề nghị Chính phủ cho phép triển khai chính thức việc cấp visa tại cửa khẩu theo đúng thông lệ quốc tế (miễn thủ tục xét duyệt nhân sự) đối với công dân một số nước là thị trường trọng điểm du lịch của Việt Nam và có quan hệ hợp tác hữu nghị với ta như: Pháp, Đức, Úc…