Tiềm năng đầu tư khách sạn ở Việt Nam là rất lớn
Theo ông Robert McIntosh, phân khúc khách sạn đã hồi phục rất nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính với đa số các thành phố ở châu Á, mức tăng trưởng doanh thu trên số lượng phòng có sẵn đạt ít nhất 20% so với trước cuộc khủng hoảng.
Tại Việt Nam, mặc dù thị trường bất động sản đang trững lại, phân khúc khách sạn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Trong năm 2011, tại hai thành phố này đã có sự tăng trưởng ít nhất từ 5- 10% về công suất phòng so với năm 2010, tương đương mức tăng 15-20% so với mức thấp điểm trong năm 2009.
Đánh giá về mức độ hiệu quả trong hoạt động các loại hình khách sạn, ông Robert McIntosh, cho biết các khách sạn giá rẻ vẫn nằm trong số các loại hình hoạt động hiệu quả nhất về tăng trưởng.
Với lãi suất cho vay tăng cao phổ biến hiện nay tại Việt Nam, thị trường khách sạn 3 sao tạo ra một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao và nhắm đến sự gia nhập dễ dàng hơn vào ngành công nghiệp nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của CBRE Việt Nam, các khách sạn giá rẻ cần đạt hiệu quả hơn về thiết kế và vận hành, mỗi mét vuông diện tích cần phải được sử dụng tốt hơn.
Tại hội thảo về Chiến lược đầu tư khách sạn, các chuyên gia của CBRE cũng đã phân tích, giới thiệu các phương án đầu tư khác nhau trong lĩnh vực khách sạn, chuyển nhượng khách sạn bao gồm các Quỹ tính thác bất động sản khách sạn, bán và cho thuê lại, mô hình cho thuê truyền thống, đồng thời xác định tầm quan trọng của các đơn vị quản lý, đơn vị tư vấn đối với các chủ đầu tư trước và trong quá trình xây dựng, vận hành khách sạn, các dịch vụ, danh mục đầu tư đi kèm khách sạn.
Đề cập đến vấn đề hình thành Quỹ tín thác bất động sản khách sạn, ông Robert McIntosh, nhấn mạnh, đây là mô hình còn khá mới mẻ tại Việt Nam, cơ sở pháp lý cho các quỹ tín thác bất động sản khách sạn ở mỗi quốc gia là khác nhau. Vì vậy, các nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ để phát triển một khung pháp lý thích hợp cho Việt Nam./.