Rượu Cần - Đặc sản Tây Nguyên
Rượu cần
Rượu Ba Na được các dân tộc ở Tây Nguyên khen là ngon nhất, sau đó mới là rượu của người Ê-đê và Xơ-đăng.
Rượu cần Tây Nguyên uống bằng cần. Rượu cần có nhiều thứ, ngon hay dở là do ở người làm cũng như các hợp chất có được đầy đủ hay không. Hiện nay, rượu cần không chỉ dành riêng cho các đồng bào Tây Nguyên, mà họ thường chế tạo, cất thành từng ghè (ghè hay ché là loại hũ cao để đựng rượu) chở đi bán tại các làng miền xuôi. Cho nên, người Kinh chúng ta nay cũng "khoái" uống rượu cần trong các tiệc tùng linh đình hay lễ, tết.
Uống rượu cần thể hiện sự đoàn kết, thương yêu không có chuyện chén chú, chén anh, chén ông, chén bác... Mọi người cùng uống với nhau chung cần, trẻ, già, trai, gái nhâm nhi thịt trâu nướng.
Làm rượu cần rất đơn giản. Chỉ cần bỏ men vào cơm ủ trong ché (ghè) độ bốn năm hôm là thành rượu. Lúc nào uống thì đổ thêm nước lã vào chứ không cất như rượu đế. Rượu để lâu ngày càng ngon. Có người đem chôn rượu ở dưới đất hàng năm cho rượu hả hơi mới đem lên uống.
Rượu cần có nhiều loại. Rượu thóc là lúa mới xay, rửa cho sạch, ngâm nước rồi trộn men để bỏ vào ché. Lấy lá chuối bịt chặt miệng ché độ năm, sáu hôm sau là dùng được. Rượu cơm là rượu làm bằng gạo nấu thành cơm ủ với men; hoặc là trộn đều bỏ vào ché; hay bỏ một lớp cơm, một lớp men cũng được. Cơm rượu chỉ độ vài ba hôm là nở tràn ché. Còn rượu kê, bo bo, bắp, mì, v.v... thì cũng làm theo cách trên.
Đồng bào Ba Na gọi rễ cây men là Hiam. Rễ này cùng với gừng, ớt được giã nhỏ, trộn với gạo rồi viên thành viên nhỏ. Hoặc lấy rễ dây men - loại dây có gai bò trên mặt đất giống như dây trầu - đem phơi khô, giã nhỏ với củ riềng hay củ gừng rồi cũng viên thành từng viên lớn như quả trứng gà so. Mỗi ché chỉ bỏ độ một viên men là đủ.
Đến lúc uống mới đem cần cắm vào ché. Cần uống thường làm bằng cây trúc hay cây triêng. Cuốn cây triêng thường dài cả mét, chặt đem về phơi khô, rút lõi bỏ đi, dùng làm cần rượu thì tuyệt!
Rượu cần tuy nhẹ, dễ uống, nhưng uống nhiều, khách dễ bị đau đầu và có thể ngã lăn quay lắm...