Non nước Việt Nam

Về Lạng Sơn tìm bánh ngải của người Tày

Cập nhật: 05/10/2011 16:50:06
Số lần đọc: 2472
Lá ngải cứu gần gũi trong dân gian bởi đặc tính mát lành nhưng bánh ngải cứu thì là một đặc sản khá độc đáo của đồng bào người Tày. Đến Lạng Sơn (nơi người Tày sinh sống đông), ngoài nếm măng ớt mắc mật, xôi lá cẩm, người ta không quên tìm bánh ngải cứu để cảm nhận hương vị lạ từ một lá cây quen thuộc…

Ấn tượng đầu tiên của thực khách về món bánh này chính bởi màu sắc. Bánh ngải tròn, dẹt, mỏng như bánh dầy của người Kinh dưới xuôi, có màu xanh thẫm. Bọc trong lá chuối cũng xanh nõn, món ăn chỉ nhìn thôi cũng thấy sự mát lành.

Ngải cứu phải được nấu với nước tro, rồi vắt lấy kiệt nước. Xác lá ngải sẽ cho cùng vào gạo nếp đã ngâm rồi đồ chín thành xôi. Người Tày giã xôi lá ngải như người Kinh giã xôi làm bánh dầy. Giã đều tay khi xôi còn nóng để lá ngải hòa vào bột, bột nếp dẻo quánh cho màu xanh thẫm có thể nặn dễ dàng.

Nhân bánh ngải cứu được làm bằng hạt vừng rang vàng, giã vụn rồi nấu cùng đường phên. Nặn bánh ngải xong, người ta sẽ quét một lớp mỡ ngoài cùng để cho bánh không dính vào nhau, món ăn lại có sự bóng bẩy hấp dẫn.

Bánh ngải làm ra thơm mùi lá ngải cứu, nhưng ăn tuyệt nhiên không còn vị đắng. Người ta sẽ cảm nhận được vị bùi, ngọt ngào của nhân vừng hòa trong cái dẻo mềm, thơm tho của bánh nếp bọc lá chuối.

Người Tày sống ở vùng núi phía Bắc thường làm nhiều món ăn từ gạo và những nông sản địa phương ngày Lễ, Tết để dâng lên ông bà tiên tổ. Bên cạnh xôi ngũ sắc, xôi lá cẩm, pẻng khô, pẻng khoai, bánh ngải cũng là một món ăn truyền thống của đồng bào nơi đây.

Nếm thử bánh ngải một lần, người ta sẽ không khỏi thích thú khi nhận ra, quanh ta, mỗi một thứ lá, một loài cây quen, dưới sự sáng tạo của con người cũng có thể làm nên những giá trị đặc biệt mà ta chưa bao giờ biết hết!

Nguồn: Báo Lao Động

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT