Non nước Việt Nam

Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện: Nơi hội tụ những giá trị văn hóa

Cập nhật: 10/10/2011 09:16:18
Số lần đọc: 1923
Lễ hội truyền thống Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định) được tổ chức hằng năm vào ngày 15 tháng 9 âm lịch nhằm tưởng nhớ Thiền sư Không Lộ và các bậc tiền nhân có công khai ấp, lập thôn tỏ đạo “Uống nước nhớ nguồn”, động viên các thế hệ con cháu giữ vững và phát huy làng nghề truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

"Dù ai đi đâu về đâu/ Mười rằm tháng Chín rủ nhau mà về/ Dù ai bận rộn trăm bề/ Mười lăm tháng Chín nhớ về hội ông". Khách phương xa đến thăm và dự lễ hội Chùa Keo Hành Thiện đều ấn tượng khi chứng kiến nét độc đáo trong phần lễ và những trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp xúc với nếp sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây. Lễ hội là dịp để người dân trong làng đoàn tụ, sum họp, cùng chia sẻ niềm vui, cùng chơi hội.

Đồng chí Phạm Viết Trung, trưởng ban quản lý di tích Chùa Keo Hành Thiện cho biết: Chùa Keo Hành Thiện (tên chữ là Thần Quang tự) thờ Thiền sư Không Lộ họ Dương, huý là Minh Nghiêm, sinh ngày 14/9 năm Bính Thìn (1016) là vị tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông và là tổ sư đời thứ 3 của thiền phái Thảo Đường Việt Nam. Tương truyền, ngài đã cùng Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh sang thiền Trúc ở Ấn Độ để cầu pháp Phật. Năm 1066, Thiền sư Không Lộ và Thiền sư Giác Hải đã có công chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông và được vua phong là Quốc sư. Tài năng của Thiền sư Không Lộ được lưu truyền trong dân gian ở nhiều lĩnh vực: thơ văn, y thuật, đúc đồng, kiến trúc… Ngài mất vào ngày 3-6 năm Giáp Tuất (1094), thọ 79 tuổi và được nhiều địa phương thờ tự tưởng nhớ công lao, trong đó có làng Hành Thiện.

Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện gồm có phần lễ với những hoạt động tế, rước đuốc trang nghiêm và phần hội với những tiết mục văn hoá văn nghệ, những trò chơi dân gian độc đáo như: hát chèo, diễn quan họ, tổ tôm điếm, cờ người, thi bắt vịt dưới hồ, võ vật. Quy mô và không khí lễ hội được tổ chức theo nếp sống mới vừa trang trọng, văn minh, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, không có tệ nạn bói toán, mê tín, cờ bạc. Đặc sắc nhất trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện là giải bơi chải đứng với sự tham gia của cả 15 xóm trong làng tưởng nhớ lúc sinh thời của Đức Thánh Tổ Không Lộ làm nghề chài lưới diễn ra vào ngày 12 và 15 âm lịch. Anh Nguyễn Văn Sỹ, người đã nhiều năm tham gia bơi chải trong lễ hội cho biết: Thời thịnh nhất, những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, tham dự lễ hội có 21 chải của 21 phe thuộc ba giáp: giáp Bắc có 7 phe, giáp Đông có 4 phe, giáp Nam có 10 phe. Hiện nay, một số chải đã bị phá hủy bởi chiến tranh hoặc cũ nát nên chỉ còn 15 chải, được chia cho các xóm. Các thuyền chải đều đóng theo mẫu thống nhất, cấu trúc theo hình con thoi, dài 12m, chia 5 khoang đều nhau. Khoang giữa sâu nhất (mạn cao 40cm) và rộng nhất (120cm mặt và 90cm đáy) mũi và lái hẹp lại (mũi thuyền rộng 50cm, dài 55cm, kể cả khớp nối dài 5cm, đuôi thuyền hẹp nhất chỉ còn 33cm ở cả mặt và đáy). Hai mạn thuyền phía lái nhô cao, lượn tròn góc là tai thuyền. Thích hợp nhất để đóng chải là gỗ vàng tâm nhưng vì gỗ vàng tâm rất hiếm nên một số thuyền phải đóng bằng gỗ dổi, gỗ găng. Thuyền được bọc bằng vải, lụa, đánh bóng, sơn mài nhiều lần, nên thuyền có màu đen bóng cả hai mặt trong, ngoài và viền son tươi hai bên mạn thuyền. Thuyền có một mái lái và 9 mái chèo bằng gỗ nội nếp nhẹ và dẻo. Mái lái dài 4,5m, mái chèo thứ 6 dài nhất 3,6m, mái ngắn nhất 2,8m, các mái khác dài ngắn hơn nhau một ít, trong giới hạn hai mức trên. Quai chèo liên kết mái chèo với cọc chèo cắm so le hai bờ mạn thuyền. Mạn thuyền bên phải có 5 cọc chèo và mạn thuyền bên trái có cọc lái và 4 cọc chèo còn lại. Cọc lái và các cọc chèo (cao thấp khác nhau tùy vị trí) cắm chắc vào các con đỉa ở mạn thuyền, nhưng có thể tháo nắp nhanh chóng dễ dàng. Tại hội thi, sau khi phát lệnh, các chải bơi biểu diễn, ra tới sông Ninh Cơ mới thi tài với nhau 3 vòng sông với chiều dài chặng đường 35-40km, thời gian khoảng trên 3 giờ đồng hồ. Hội thi có quy chế và phần thưởng của chải thắng cuộc là tiền và bánh dày.

Đồng chí Nguyễn Vũ Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cho biết: Kinh phí tổ chức lễ hội được nhân dân trong làng tham gia đóng góp vật chất và ngày công theo phương thức xã hội hoá, những người con quê hương đang sinh sống và làm ăn tại phương xa không có điều kiện về tham dự cũng gửi một phần công đức, nén nhang dâng lên Đức Thánh Tổ Không Lộ. Từ năm 2008 đến nay, từ nguồn kinh phí của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân địa phương và bà con khắp nơi, Chùa Keo Hành Thiện và chùa Đĩnh Lan được đầu tư, tôn tạo với số tiền gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, còn quy hoạch và xây dựng bãi đỗ xe rộng gần 4.000m2; xây dựng một số công trình phụ trợ để phục vụ nhân dân tham gia lễ hội. Có thể nói, những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội Chùa Keo Hành Thiện đã thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, thu hút và quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương đối với khách trong nước và quốc tế. Trong đó, lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống, thực hiện đúng Quy chế tổ chức lễ hội theo Luật Di sản văn hoá. Được sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, lễ hội ngày càng được tổ chức trang trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh cảnh quan môi trường được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo được ấn tượng cho khách thập phương về dự lễ tục truyền thống. Để chuẩn bị cho lễ hội Chùa Keo Hành Thiện năm 2011, Ban tổ chức đã phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho các đơn vị bảo đảm tổ chức lễ hội theo Quy chế lễ hội, đúng nghi thức truyền thống tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Di tích Chùa Keo Hành Thiện cùng với lễ hội được tổ chức hằng năm là những trang sử nuôi dưỡng truyền thống yêu nước hào hùng; là nơi hội tụ những nét đẹp tinh hoa văn hoá dân tộc có ý nghĩa nền tảng để sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới “tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc” trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Đồng thời, di tích và lễ hội Chùa Keo Hành Thiện có vị trí quan trọng, là “điểm nhấn” trong bản đồ du lịch danh thắng, du lịch tâm linh có quy mô và sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước gồm: Quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá Trần, Phủ Dầy, Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Cổ Lễ, Cầu Ngói, Chùa Lương. Để phát huy và khai thác tiềm năng di tích, phát triển du lịch, huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành hữu quan, các địa phương trong tỉnh triển khai công tác quy hoạch, đầu tư nâng cấp chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của địa phương. Toàn huyện có 800 từ đường, trên 100 đền, chùa, 70 nhà thờ, trong đó có 29 di tích được Nhà nước xếp hạng; có nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn như: lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Hồng); lễ hội làng An Cư (Xuân Vinh). Cùng với việc trùng tu di tích huyện đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, tôn tạo cảnh quan môi trường nhằm làm tăng tính hấp dẫn của các điểm du lịch văn hoá tâm linh. Huyện Xuân Trường đang phối hợp với Sở VH, TT và DL lập đề án phát triển du lịch đến năm 2020; tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế khảo sát các tuyến du lịch kết nối các điểm tham quan du lịch văn hoá của huyện với các khu, điểm du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái của huyện với các điểm du lịch của tỉnh và khu vực. Xây dựng và triển khai thành công đề án sẽ là cú hích quan trọng để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Xuân Trường, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc./.

Nguồn: Báo Nam Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT