Hành trang lữ khách

Khám phá Xín Mần, Hà Giang

Cập nhật: 24/10/2011 10:22:05
Số lần đọc: 2165
Nằm cách thị xã Hà Giang 150 km về phía Tây, Xín Mần có diện tích tự nhiên trên 58.000 ha, với 18 dân tộc anh em, trên 56.000 người sinh sống - vùng đất chứa nhiều điều bí ẩn...

Hiện nay, Xín Mần đang lưu giữ không dưới 3 Di sản Quốc gia có giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá đã được xác nhận. Khám phá Xín Mần để biết người Việt cổ sinh sống tại Nấm Dẩn, về Đèo Gió tìm hiểu di tích Thác Tiên, rừng nguyên sinh, hay tới Khuôn Lùng tìm hiểu lịch sử cha ông ta trấn giữ biên ải miền Tây Tổ quốc trong giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc.


Tại điểm giao cắt giữa quốc lộ 279 và quốc lộ 183 Thị trấn Yên Bình (Quang Bình), rẽ theo quốc lộ 183 đi chừng 19- 20 km chúng tôi đến xã Khuôn Lùng. Khuôn Lùng là xã phía Đông huyện Xín Mần cách trung tâm huyện lị trên 44 km. Nơi đây tập trung chủ yếu đồng bào Tày sinh sống xen lẫn đồng bào Dao, Nùng. Người dân trong xã luôn tự hào về truyền thuyết người anh hùng dân tộc có tên Đức Ông, đời Nhà Trần có công lập làng, đánh giặc, giữ yên bờ cõi đất Việt. Chuyện kể rằng, trong giai đoạn đất nước bị giặc phương Bắc đe doạ tuyến biên ải miền Tây; trước thế nước lâm nguy, Vua Trần Nhân Tông đã cử Đức Ông lên đây lập làng, chiêu binh, trấn giữ biên ải. Đức Ông là người tài thao lược, hiểu binh thư, sống từ tốn, giàu lòng nhân ái. Tại Khuôn Lùng ông đã trở thành thủ lĩnh, tập hợp, đoàn kết các dân tộc trong vùng: Tân Nam, Nà Chì, Quảng Nguyên đứng lên đánh đưổi giặc phương Bắc, dẹp loạn phương Nam, giữ yên bờ cõi, bảo ban dân làng làm ăn, mang lại sự thịnh trị thái bình cho cả một vùng non nước. Sau khi ông mất, tưởng nhớ công lao Đức Ông dân làng lập đền thờ ông tại thôn Làng Thượng, xã Khuôn Lùng. Hàng năm dân làng mở hội vào ngày 17 tháng giêng âm lịch tại Đình Mường (Di sản Quốc giavề lịch sử dân tộc), Làng Thượng để tưởng nhớ ông, người lập làng, giữ nước.


Qua xã Nà Chì, vượt Đèo Gió là cả một vùng rừng Nguyên sinh đa dạng sinh học trải dài từ xã Quảng Nguyên đi qua xã Chế Là, về xã Nấm Dẩn tiếp giáp tận huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Rừng nguyên sinh Đèo Gió có diện tích vùng lõi trên 1.800 ha, vùng đệm gần 15 ngàn ha đi qua 4 xã. Đèo Gió hiện nay là vùng rừng nguyên sinh nhiều tầng đa dạng sinh học. Trong rừng có hàng ngàn thực vật rừng quý hiếm được bảo tồn như: Gỗ sến, có cây ngàn năm tuổi, dổi, đinh, táu mật, cùng hàng trăm loài phong lan rừng, thảo mộc, thảo quả, nấm các loại. Đã có không ít các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã khám phá động thực vật Đèo Gió và xác nhận, Đèo Gió là biểu tượng của rừng nhiệt đới gió mùa còn lại khá nguyên vẹn đa dạng sinh học, chứa trong đó nhiều gen quý cần bảo tồn vì giá trị nghiên cứu phục vụ lợi ích con người cho cả trước mắt và mai sau. Trong ngút ngàn Đèo Gió là thác Gió, thác Tiên đổ từ độ cao trên ba chục mét xuống tạo thành một tiên cảnh giữa rừng già kỳ vĩ. Thắng cảnh đó đã được công nhận là Di sản Quốc gia; cần được bảo vệ cho mục đích du lịch, khám phá, nghiên cứu khoa học, đồng thời sẽ là điểm đến hấp dẫn tại Xín Mần, thu hút cả chục ngàn lượt du khách mỗi năm.


Xuôi dốc chừng 6 km bước chân đến thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn là Bãi đá cổ nơi người Việt cổ sinh sống có niên đại trên 2.000 năm tuổi. Bãi đá cổ chia thành 7- 9 vùng quần thểbãi đá được tìm thấy trong vùng có dấu tích người Việt cổ sinh sống. Vùng Bãi đá lớn nhất, trên phiến đá lớn nhất, có các hoạ tiết hoa văn cổ để lại nhiều hình hoạ mang tính phồn thực ghi dấu ấn một thời xã hội Cổ đại Mẫu hệ. Trải qua hơn 2.000 năm tuổi, đến nay Bãi đá cổ còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được giải mã. Các nhà Khảo cổ học cho rằng, người Việt cổ trải qua thời kỳ Mẫu hệ ở nơi đây sinh sống, phát triển ra sao còn là bí mật thách thức thế giới văn minh ngày nay.


Khám phá Xín Mần còn có Đỉnh Gia Long cao trên 2000m, đầy tính lịch sử huyền bí chưa biết đích thực về nó; còn có ngã ba đầu nguồn sông Chảy chảy vào đất Việt nơi biên giới Việt- Trung, giáp sông Trắng (Trung Hoa), cận kề Si Ma Cai, huyện Bắc Hà (Lào Cai); hay về di tích lịch sử Nàn Ma hùng tráng một thời chiến dịch Tây Tiến dẹp loạn, giữ nước.v.v.


Khám phá Xín Mần chắc chắn còn nhiều điều chưa hiểu hết về bản sắc văn hoá của cộng đồng 18 dân tộc anh em sinh sống nơi đây. Và chính những điều đó sẽ làm cho hành trình khám phá thêm mê hoặc, hấp dẫn du khách.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục