Lên núi Bà Đen và quần thể di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng
Tại sao gọi là núi Bà? Có rất nhiều truyền thuyết về núi Bà. Được truyền tụng nhiều nhất là truyền thuyết về người con gái tên Lý Thị Thiên Hương, đẹp người, đẹp nết. Vì một lòng chung thủy với người yêu đang xông pha trận mạc và cũng để tránh sự ép buộc làm tì thiếp cho bọn quan lại nên Thiên Hương trốn lên núi rồi chết. Sau khi chết, bà rất linh thiêng, phù hộ cho nhiều người trong vùng. Vì thế, thi thể bà được đem về mai táng, phụng thờ.
Một truyền thuyết khác, nói về người con gái tên Ðênh (sau gọi chệch là Ðen), con một viên quan trấn thủ người Miên, rất sùng đạo Phật. Vì bị ép duyên với con quan, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này, triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là "Linh Sơn Thánh Mẫu". Hiện nay, điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu với bức tượng đồng đen trên núi Bà được rất đông khách du lịch đến cúng bái, cầu khấn. Ngày mùng 5.5 âm lịch hằng năm là ngày hội vía Bà, thu hút rất đông khách thập phương. Bên cạnh đó, từ Tết Nguyên đán đến tháng giêng, tháng hai âm lịch, rất đông du khách cũng hành hương về núi Bà lễ bái, tham quan.
Từ chân núi lên đỉnh núi có thể đi bằng nhiều cách, hoặc đi bộ, mất chừng 1 giờ, tuy vui nhưng rất mệt, phù hợp với các bạn trẻ; hoặc đi cáp treo (dài 1.200m). Một mẹo nhỏ là du khách nên chọn cáp treo để đi lên, còn khi xuống nên đi máng trượt, rất thú vị./.