Phát triển du lịch sinh thái tại VQG Hoàng Liên (Lào Cai)
Thành lập từ năm 2007, VQG Hoàng Liên đã tổ chức nhiều hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục môi trường ưu tiên sự tham gia của người dân địa phương, nhất là với người dân tộc thiểu số: tổ chức các tour leo núi, ngắm cảnh quan độc đáo với mục tiêu góp phần hỗ trợ cộng đồng dân cư sống trong vùng rừng lõi có thêm công ăn việc làm, thu nhập, tăng ý thức bảo vệ tài nguyên rừng.
Một số sản phẩm du lịch của Vườn được du khách ghi nhận như: tuyến leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, tuyến tham quan Suối vàng – Thác tình yêu, … Một số tour đang được xây dựng và hứa hẹn thu hút khách tham gia như: xem chim - thú, tìm hiểu văn hóa bản địa kết hợp nghiên cứu khoa học sinh thái rừng, ngắm sinh cảnh độc đáo…
Nằm trên địa bàn thị trấn Sa Pa, điểm du lịch nổi tiếng Việt Nam, thuộc vùng khí hậu ôn đới, là nơi nghỉ mát lý tưởng về mùa hè ở miền Bắc Việt Nam, đa số các bản làng trong Vườn vẫn giữ được cảnh quan kiến trúc, bản sắc văn hoá truyền thống tiêu biểu, phong tục tập quán phong phú và đặc sắc.
Bên cạnh các thuận lợi đó, VQG Hoàng Liên cũng đang gặp một số vướng mắc nhất định trong việc phát triển bền vững về du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Đó là về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, công tác xúc tiến và quảng bá du lịch, nhân lực còn nhiều bất cập.
Với địa hình rừng núi, để có được hạ tầng cơ sở vật chất thuận lợi phục vụ du lịch, cần nhiều vốn và tâm huyết không chỉ của các cấp lãnh đạo mà còn rất cần những sự chung tay và thấu hiểu của các đối tác như các công ty du lịch lữ hành, đồng bào người dân tộc và khách du lịch.
“Làm sao vừa khai thác lợi thế sinh cảnh của rừng núi phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, vừa bảo vệ, gìn giữ cảnh quan môi trường, giữ rừng, chống cháy rừng luôn là trăn trở hàng ngày của những người có trách nhiệm với VQG Hoàng Liên” – ông Lê Quang Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường VQG Hoàng Liên cho biết.
Ông Hòa cũng kêu gọi các công ty du lịch quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của cư dân địa phương, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông, đó là quan hệ hữu cơ cùng sinh lợi trong sự phát triển du lịch bền vững.
Theo ông, cách thiết thức là gia tăng sử dụng các dịch vụ hỗ trợ du khách trong quá trình thám hiểm, thăm quan tại địa phương. “Giúp đồng bào cũng là góp phần bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của vườn”- ông Hoà nói.
Thêm vào đó, rất cần những chính sách về tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường, hỗ trợ và quan tâm đến các hoạt động cộng đồng của địa phương.
Việc giữ gìn và phục hồi các nghành nghề thủ công truyền thống không những tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, tạo ra những mặt hàng đặc trưng hấp dẫn bổ sung vào chuỗi sản phẩm cung ứng sản phẩm - dịch vụ cho du khách, vốn là thế mạnh của mảnh đất du lịch Sa Pa nhiều tiềm năng này./.