Bản du lịch cộng đồng Giang Mỗ (Hòa Bình): Hấp dẫn bản sắc Mường
Cả hai điểm trên có ưu điểm chỉ cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 10 km. Bản Giang Mỗ có 110 nóc nhà, toàn người Mường và đây chính là một bảo tàng sống về văn hóa truyền thống dân tộc Mường. Trong đó, thôn Giang Mỗ 2 với 45 nhà sàn truyền thống được chính quyền địa phương quy hoạch thành điểm du lịch cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Hậu, Trưởng bản cho biết: “Tại Bản du lịch cộng đồng Giang Mỗ 2, tất cả các hộ được giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng mới phá vỡ kết cấu nhà và không gian truyền thống. Thành phố Hòa Bình cũng có đề án những nhà nào muốn tách hộ sẽ được chuyển ra ngoài khu vực quy hoạch làm Bản du lịch cộng đồng”.
Bản Giang Mỗ phát triển du lịch được hơn 20 năm nay. Lúc đầu là tự phát, do gần thành phố và một số hộ liên kết với các doanh nghiệp du lịch Hà Nội làm dịch vụ ăn, lưu trú, tìm hiểu sinh hoạt của đồng bào Mường nơi đây. “Thời gian đầu, làm du lịch mang tính tự phát nên đường xá đi lại gặp nhiều khó khăn. Thấy vậy, một số đoàn khách Pháp hỗ trợ tiền để làm con đường bê tông chạy giữa bản vào năm 2004”, chị Bùi Thị Lưu, một phụ nữ dân tộc Mường cho biết.
Đến nay, tự tích lũy kinh nghiệm, một vài gia đình trưng bày những sản phẩm thủ công ra hiên nhà để giới thiệu và bán cho khách tham quan. Có những chiếc khăn dệt với sắc màu vàng - xanh dịu nhẹ, những chiếc "ếp" đựng cơm nếp xinh xinh đan bằng nan tre… Bà con ở đây đã biết làm du lịch cộng đồng để tăng thêm thu nhập. Với cách làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp, du khách trong nước và ngoài nước đến càng nhiều, nhất là bản nằm trên cung đường ra bến thủy nội địa thăm lòng hồ Hòa Bình, là điểm dừng chân để du khách tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống còn nguyên bản.
Chị Bùi Thị Lưu, nhà ngay đầu bản Giang Mỗ 2 cho hay: “Du khách nước ngoài rất thích vào tham quan và nghỉ lại nhà, thích ăn cơm do bà con nấu. Bởi vậy, bà con đã xây công trình phụ sạch sẽ, giữ gìn nhà sàn ngăn nắp và đúng truyền thống, cùng với chăn nuôi lợn, gà sạch, không cho ăn thức ăn tăng trọng, để sẵn sàng làm cơm đặt cho du khách. Bà con cũng hiểu rằng, khách đến bản có nhu cầu ngắm không gian làng bản (văn hóa cư trú), nên phải giữ nếp nhà truyền thống; có nhu cầu ăn những món truyền thống riêng (văn hóa ẩm thực) nên sẵn sàng nấu những món ăn cha ông truyền lại; có nhu cầu nhìn ngắm và mua sắm vải vóc thổ cẩm (văn hóa trang phục), nên bà con gìn giữ và sử dụng bộ khung cửi cổ truyền, tự tay dệt nên những tấm vải mang hoa văn thổ cẩm của dân tộc mình… Cứ như thế, Giang Mỗ ngày càng hấp dẫn du khách, các gia đình có thu nhập và tích lũy, cuộc sống ngày càng sung túc lên”.
Qua tìm hiểu một số hộ làm du lịch cộng đồng, họ đều cho biết, chính quyền địa phương cũng chưa có hỗ trợ kinh phí để đào tạo người dân cách làm du lịch. “Toàn dân trong bản làm du lịch tự phát thôi. Khách đoàn nước ngoài thường do công ty du lịch từ Hà Hội dẫn lên. Giao tiếp chủ yếu qua hướng dẫn viên. Một số nhà thường làm dịch vụ đón tiếp khách cũng tự học một ít tiếng nước ngoài để giao tiếp với khách. Nên cũng muốn ngành du lịch của tỉnh có lớp đào tạo người dân các kỹ năng làm du lịch cộng đồng, giao tiếp với khách”, chị Lưu cho hay.
Khách du lịch đến đây cũng mang nhiều lợi ích cho dân bản, cải thiện đời sống bà con. Ngoài dịch vụ lưu trú, ăn uống, khách nước ngoài thường mua đồ lưu niệm về tặng người thân, trong đó chủ yếu mua một số sản phẩm đan lát, thổ cẩm. “Gần đây, một số đoàn du lịch là khách Nhật Bản, Pháp, Xinhgapo muốn ở lại dài ngày để cùng đi cấy, làm nông nghiệp cùng với dân bản. Đây là một hướng làm mới du lịch cộng đồng và các công ty du lịch đang tư vấn cho một số hộ tại đây kết hợp làm”, ông Nguyễn Văn Hậu cho hay.
Để có cái nhìn tổng quan về văn hóa Mường, cách bản Giang Mỗ chừng 2km đi về hướng thành phố Hòa Bình, du khách có thể dừng chân tại Bảo tàng tư nhân "Không gian Văn hóa Mường". Đại diện Sở VH,TT&DL Hòa Bình cho biết: Chủ bảo tàng này là một họa sĩ, tên là Vũ Đức Hiếu. Sau 10 năm sưu tầm, cách đây hơn 2 năm, Bảo tàng "Không gian Văn hóa Mường" được khai trương”. Bảo tàng nằm trên vạt đồi trong một thung lũng đá vôi nhỏ hẹp, có diện tích 2 ha. Đây là một công trình nghệ thuật công phu tái hiện toàn bộ không gian sống của người Mường một cách khoa học về các mẫu nhà sàn, nếp sinh hoạt, các dụng cụ trong sinh hoạt… Bảo tàng "Không gian Văn hóa Mường" là bảo tàng đầu tiên về văn hóa của dân tộc Mường, một dân tộc có bề dày truyền thống văn hóa trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.