Động thủy tiên (Yên Bái) - điểm du lịch hấp dẫn
Đi trên hồ Thác Bà, du khách cảm thấy không khí trong lành giữa mặt nước mênh mông lung linh soi bóng những hòn đảo điệp trùng tưởng như vô tận. Sau gần một tiếng đồng hồ đi thuyền từ cảng Hương Lý, điểm dừng chân đầu tiên là Nhà máy Thủy điện Thác bà, sau đó đến động Thủy Tiên, nằm trong lòng núi đá dài khoảng 100 m với những nhũ đá lấp lánh khi được chiếu sáng tạo ra muôn hình vạn trạng trong đó có hình chín nàng tiên mỗi người một vẻ gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ hấp dẫn.
Chuyện xưa kể rằng, hoàng tử Trọng Hải là con trai vua Thủy Tề trong một lần dạo chơi trên dòng sông Chảy, thấy một ngọn núi cao mát lạnh như có một sức hút kì lạ hoàng tử đã lên núi ngắm cảnh và thưởng thức không khí mát lạnh. Tại đây, chàng đã gặp công chúa Thủy Tiên là một trong 9 nàng công chúa xinh đẹp của Ngọc Hoàng - vì mê say với cảnh sắc của vùng Thác Bà sông Chảy mà thường trốn vua cha xuống trần gian ngắm cảnh.
Sau nhiều lần hẹn hò, tình yêu của họ bắt đầu nảy nở, không thể rời xa nhau. Vua Thủy Tề và Ngọc Hoàng đã làm nên hang động ngay tại đây để hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên chung sống. Vì vậy mà tất cả những cảnh quan trong hang động đều gắn liền với câu chuyện tình của hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên nên có tên là Thủy Tiên Sơn Động.
Qua cửa hang vào đến trung tâm của cung điện trong câu chuyện truyền thuyết ấy, ở đây có 3 cây cột đá trong tổng số 9 cây cột đá của hang động. Dưới gốc của cây cột đồng có hình người quay ngược, đầu cắm xuống đất, chân ngược lên trời, đây là một vị quan được Ngọc Hoàng sai xuống cai quản cung điện cho công chúa Thủy Tiên nhưng trong một lần phạm lỗi, vị quan này đã bị Ngọc Hoàng phạt treo chân ngược lên...
Tiếp đến gần phía cửa thông gió là hình một con đại bàng được tạo nên từ nhũ đá. Truyền thuyết kể rằng đó là con chim đại bàng của Ngọc Hoàng thường xuyên túc trực để đưa công chúa Thủy Tiên về trời khi Ngọc Hoàng có việc cần sai bảo. Vào sâu nữa là đến cung điện của hoàng tử Trọng Hải, tại đây có cột đá thứ 4 của hang động. Thật đặc biệt là khi gõ vào cây cột đá thứ 4 này có một âm thanh giống như tiếng cồng chiêng.
Trong cung điện của hoàng tử, hai dải nhũ đá chảy thẳng xuống đất và bên cạnh là nhũ đá hình trái tim. Hai dải nhũ đá đó là lời căn dặn của vua cha là “Làm việc gì cũng phải thẳng thắn nghiêm mình”; còn hình trái tim đó là lời dặn dò của thân mẫu: “Làm bất cứ việc gì cũng cần phải có cái tâm”. Có thể nói, nhũ đá trong hang tạo thành những hình thù khác nhau mà theo truyền thuyết nó có những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Điểm nổi bật hơn cả là trong cung điện của công chúa Thủy Tiên là nhũ đá rủ xuống thành hình cánh tay.
Truyền thuyết kể rằng đó chính là cánh tay của chàng hoàng tử. Cũng tại cung điện có lối đi lên tầng thứ 2 của hang động, đi ngược theo vách đá vào sâu 100m sẽ có một lối lên tầng hang động thứ 3. Đó sẽ là những đoạn truyền thuyết đang chờ được khám phá trên những nhũ đá ở đó.
Du khách Nguyễn Hạnh Vân ở Vạn Bảo, Hà Nội cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi lên Yên Bái, đi thăm quan vùng hồ Thác Bà, ấn tượng đầu tiên về vùng nước sơn thủy hữu tình này là Nhà máy Thủy Điện Thác Bà, động Thủy Tiên… phải nói rằng, phong cảnh ở đây như quyện vào nhau thật tuyệt mỹ và được ví như Hạ Long trên núi”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lương Thanh Hùng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình cho biết, động Thủy Tiên là một trong những điểm đến trong tour du lịch thuộc chương trình lễ hội “Âm vang hồ Thác” năm 2011. Trong những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Bình quyết tâm giữ vững và tôn tạo động Thủy Tiên ngày càng khang trang, bề thế.
Hơn thế, huyện có kế hoạch xây dựng động Thủy Tiên trong quần thể khu du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách tham quan du lịch, theo đó, hàng năm thu hút hàng nghìn du khách thập phương. Tiếp tục tới đây, huyện phối hợp với các ngành liên quan để có những chính sách phù hợp thu hút đầu tư vào quần thể Thác Bà nói chung và động Thủy Tiên nói riêng để khai thác thế mạnh, tiềm năng của vùng hồ Thác Bà.