Trình diễn trang phục truyền thống - một cách để bảo tồn giá trị văn hóa
Tôn vinh giá trị văn hoá của các trang phục truyền thống
Cuộc trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ I nhằm thực hiện một đề án được xây dựng khá kỹ lưỡng, đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là một nhiệm vụ chính trị nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm ban chấp hành Trung ương đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đề ra. Trong tháng 8 và 9/2011, các tỉnh, thành phố đã tổ chức thi tuyển chọn ra những thí sinh xuất sắc dự thi toàn quốc.
Tiêu chí để tuyển chọn thí sinh tham gia trình diễn trang phục dân tộc cần đảm bảo các yếu tố là công dân Việt Nam, độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi, thể hình cân đối. Nam có chiều cao từ 1,65m trở lên, nữ từ 1,55m trở lên, là đại diện của các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đối với dân tộc nào còn bảo tồn được trang phục cả nam và nữ thì được ưu tiên chọn cả nam và nữ tham gia trình diễn. Còn các dân tộc, trang phục nam gốc không còn gì độc đáo thì chỉ lựa chọn trang phục nữ.
Tham gia trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ I năm 2011 có đại diện của 54 dân tộc (kể cả người Kinh) sẽ trình diễn khoảng hơn 100 loại trang phục truyền thống.
Các thí sinh trình diễn trang phục của dân tộc mình (trang phục sinh hoạt, đám cưới, lễ hội truyền thống), đi kèm đồ trang sức (như vòng cổ, vòng chân, vòng tay, hoa tai...) theo đúng truyền thống, không được cách tân, lai tạp. Ngoài khả năng trình diễn, các thí sinh phải thể hiện được khả năng ứng xử cũng như sự hiểu biết về văn hóa dân tộc mình.
Cùng hội tụ về "Ngôi nhà chung của 54 dân tộc"
Cuộc trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ I sẽ được tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 25/11 đến hết ngày 28/11/2011. 255 thí sinh được tuyển chọn từ 54 dân tộc cư trú trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ hội tụ về "Ngôi nhà chung của 54 dân tộc" để cùng trình diễn, khoe sắc các loại trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Đây là dịp để đại gia đình các dân tộc Việt Nam cùng tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và vẻ đẹp văn hóa đặc trưng trang phục truyền thống của dân tộc mình, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng là cơ hội để đại diện các dân tộc trên cả nước giao lưu, học hỏi, trao đổi về kiến thức văn hóa xã hội. Qua cuộc trình diễn này, chúng ta có thể tổng hợp và thống kê bổ sung về trang phục, trang sức truyền thống các dân tộc trong cả nước, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trang phục của mỗi một dân tộc đều thể hiện nét đặc trưng và bản sắc riêng, không thể phân định sự hơn kém trong trang phục giữa các dân tộc nên Ban tổ chức sẽ không trao giải cho trang phục đẹp nhất mà thay vào đó là các giải dành cho những thí sinh trình diễn trang phục xuất sắc và ứng xử tốt.
Hướng bảo tồn trang phục truyền thống
Theo ông Hoàng Xuân Lương, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc (UBDT), sau cuộc trình diễn, UBDT sẽ sử dụng nguồn kinh phí của UBDT để mua lại ít nhất 54 bộ trang phục đại diện cho 54 dân tộc. Những bộ trang phục này sẽ được lưu giữ tại UBDT. Sau khi được Hội đồng tư vấn xem xét đánh giá, nếu các bộ trang phục này giống các trang phục nguyên gốc có thể sẽ chuyển cho Bảo tàng Dân tộc học lưu giữ và coi đó như bộ trang phục mẫu gốc nhất của 54 dân tộc để phục vụ khách tham quan và nghiên cứu.
Tính đến thời điểm hiện nay có 5 dân tộc (Xinh Mun, Pu Péo, Sila, Cống và Rục) không còn giữ được trang phục truyền thống của mình, chính vì vậy thông qua cuộc trình diễn này, chúng ta phải có trách nhiệm khôi phục lại các trang phục gốc cho các dân tộc.
Sau cuộc trình diễn này, UBDT sẽ chính thức có ý kiến đề nghị với Chính phủ để có các chủ trương, giải pháp để bảo tồn và phát huy bản sắc trong trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam./.