Tục cưới hỏi của người Sán Dìu ở Vi Sơn, Bắc Giang
Xin lá số là bước khởi đầu, thăm hỏi để xác định việc hôn nhân. Để chuẩn bị bước này, nhà trai tìm ông mối (moi nhin) giỏi và mát tay để giúp đỡ, việc hôn nhân do ông mối đảm nhận. Muốn xin lá số thành công, nhà trai phải nhờ anh em, họ hàng hoặc người quen biết ở gần nhà cô gái tìm hiểu về gia đình và cô gái, sau đó sẽ hỏi ý kiến xem thích ai làm ông mối. Việc xem lá số (xem tuổi) được căn cứ dựa trên ngày, tháng năm sinh của cả hai người nam nữ, để xem hai lá số có hợp nhau không. Đồng bào Sán Dìu ở Vi Sơn quan niệm, mục đích quan trọng nhất của hôn nhân là để duy trì nòi giống, bởi vậy việc xem cô gái có khả năng sinh con khoẻ mạnh hay không là việc quan trọng khi chọn vợ.
Tiếp đến là bước báo yên (Hạ thênh): nhằm báo cho nhà gái biết việc xem lá số cho đôi nam nữ đã thành công, mọi quẻ đều thuận, đôi trai gái hợp nhau, có thể tiến hành hôn lễ. Nghi lễ này do ông mối tự đi sang nhà gái nói chuyện và thông báo. Lúc này, ông mối mới chính thức hỏi nhà gái và cô gái có chấp nhận để nhà trai và chàng trai đến hỏi và tiến hành cuộc hôn nhân hay không. Lễ vật mang sang chủ yếu là lễ ngọt gồm: nải chuối, trầu cau, chè, thuốc...
Sau cuộc thương lượng giữa ông mối và gia đình nhà gái thành công, ông mối về nói với nhà trai chuẩn bị rượu, gạo nếp, gà sống đề làm lễ ăn hỏi. Ông mối và thanh niên bạn chú rể sẽ đại diện nhà trai mang lễ sang nhà gái. Trong lễ ăn hỏi nhà trai sẽ thưa chuyện, định ngày làm đám cưới và thời gian đón dâu mà họ đã nhờ thầy cúng xem rất cẩn thận. Cách xem tháng cưới lại phụ thuộc vào tháng sinh của cô dâu. Đồ thách cưới gồm: tiền bạc, rượu, gạo nếp, chăn màn...
Đối với người Sán Dìu ở Vi Sơn, sau khi ăn hỏi xong, hai bên chính thức coi nhau là thông gia. Trong thời gian từ khi làm lễ ăn hỏi đến khi tổ chức hôn lễ, trong hai gia đình chẳng may có người qua đời thì việc tổ chức đám cưới phải hoãn lại chờ chịu tang ít nhất 100 ngày thì mới tiến hành hôn lễ. Khi trong họ có người mất thì cô dâu, chú rể dù chưa chính thức làm đám cưới vẫn phải sang chịu tang.
Lễ cưới thường diễn ra trong 3 ngày, khi nhà trai và nhà gái bắt đầu dựng rạp vào buổi chiều ngày thứ nhất cũng là lúc nhà trai tiến hành mang đồ thách cưới sang nhà gái. Đoàn nhà trai gồm ông mối, họ hàng nhà trai và 5 thanh niên chưa vợ, bạn chú rể bưng lễ. Sau nhiều nghi lễ, đám cưới được bắt đầu. Trong tiệc cưới, 2 họ tổ chức ăn uống linh đình và hát “sinh ca chíu cô” giao lưu cho tới khi nhà trai đón dâu về và hôn lễ kết thúc.