Múa Lân - Sư - Rồng, một nét đẹp văn hoá, thể thao
Múa Lân - Sư - Rồng là một môn nghệ thuật dân gian có nguồn gốc từ Trung Hoa, thường xuất hiện trong những dịp lễ hội, đặc biệt là các ngày Tết Nguyên đán, rằm Trung thu hàng năm. Theo quan niệm của người Á Đông, ba con vật này tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và hanh thông.
Ở Vùng mỏ Quảng Ninh, múa Lân - Sư - Rồng đã có từ lâu theo dấu chân của những người Khách (Hoa kiều) đến làm ăn buôn bán nhưng phát triển rộng rãi là vào thời kỳ Pháp thuộc. Thời điểm này, ở nơi sinh sống của các phu mỏ trong những dịp lễ, Tết bên cạnh những đội Lân - Sư - Rồng của người Hoa đã có những đội Lân - Sư - Rồng của người Việt Nam ở các lán thợ của người gốc quê Nghệ An, Nam Định, Thái Bình... Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, tiếp đó là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước... phong trào múa Lân - Sư - Rồng ở Vùng mỏ Quảng Ninh tuy vẫn được duy trì nhưng phát triển không đồng đều. Đến thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập với bạn bè năm châu, phong trào múa Lân - Sư - Rồng đã phát triển rầm rộ ở các địa phương, vùng miền trong tỉnh. Không chỉ những ngày lễ, Tết... những dịp phục vụ tuyên truyền cho các sự kiện chính trị - xã hội của tỉnh và quốc gia, nhiều địa phương đã tổ chức các Giải thi đấu Lân - Sư - Rồng từ cấp phường, xã như các thành phố Móng Cái, Hạ Long... Trong số các “lò” huấn luyện múa Lân - Sư - Rồng của tỉnh phải kể đến “lò” của ông Trần Ngọc Thứ ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long. Ông Thứ năm nay 82 tuổi. Năm 1999, ông cùng một số người ham thích bộ môn này tổ chức đội múa Lân - Sư - Rồng thuộc CLB Văn hoá phường Hồng Hà. Ông kể: “Ban đầu chỉ là góp vui trong những ngày lễ, Tết ở khu dân cư... Đến nay Đội Lân - Sư - Rồng của chúng tôi đại diện cho TP Hạ Long đã 2 lần giành giải nhất toàn tỉnh; đi phục vụ các lễ hội của 13/14 địa phương trong tỉnh. Tại Carnaval Hạ Long năm 2011, chúng tôi tham gia biểu diễn phục vụ với hơn 50 người gồm 2 Rồng và 5 Lân... Ngoài ra chúng tôi còn biểu diễn ở các tỉnh bạn như Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ); Đền Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương); Đền Phủ Giầy (Nam Định)... được lãnh đạo và nhân dân các địa phương cổ vũ nhiệt tình!”.
Hy vọng với sự phát triển của phong trào múa Lân - Sư - Rồng ở Vùng mỏ; Sở VH-TT&DL Quảng Ninh sẽ có định hướng lâu dài để phát triển bộ môn này cả về bề rộng và từng bước nâng cao về chất lượng để trở thành môn thể thao quần chúng ở tầm cỡ quốc gia.