Non nước Việt Nam

Hò khoan - nét văn hóa của người dân Việt Nam

Cập nhật: 03/11/2011 15:26:39
Số lần đọc: 1758
Những làn điệu hò lan toả trên một không gian rộng lớn. Ở mỗi vùng lại có lối hò riêng biệt. Những làn điệu hò khoan mượt mà tình cảm là điểm tựa tinh thần của cộng đồng nên dù xã hội có biến đổi thì nét văn hóa đặc sắc đó vẫn tồn tại và phát triễn không ngừng.

Hò khoan là một nét văn hóa của người dân Việt Nam, là nhu cầu không thể thiếu được trong tư duy và sinh hoạt của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn. Người dân nông thôn quanh năm lao động vất vả, một nắng hai sương, vì vậy hò khoan được coi là yếu tố tạo ra sự thư giãn tinh thần, là sự biểu hiện cách ứng xử văn hóa với thiên nhiên, xã hội và cộng đồng.

Con người có thể tìm thấy chính mình, sự hồn nhiên, hưng phấn nghệ thuật, những cảm xúc chất phác, trong sáng khi được giao lưu với nhau trong quá trình đối đáp hò khoan. Đồng thời thông qua những câu hát đối đáp con người nguyện cầu về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, là dịp trai gái bày tỏ tâm tư tình cảm của mình ...

Một người càng hò, hai người càng hay, càng đông càng tốt, rất độc đáo ai cũng diễn viên, ai cũng khán giả. Nếu chỉ có một mình thì vừa hò cái, vừa hò con. Hai người trở lên thì một người hò cái nhiều người hò con, thể hiện đủ mọi đề tài. Hò thi nhau, trêu tức nhau, hò cái trục trặc, hò con thay hò cái ngay. Hò nối hơi, nối sức, nối trí… rất uyển chuyển, linh hoạt.

Do việc hò diễn ra phong phú như vậy, nên nhạc cụ cũng rất đơn giản. Hò ở sân đình, ở rạp thì chỉ có trống đại, người hay đi hò giao du có đội sanh. Nơi đông người mà không có chuẩn bị trước thì đôi tay vỗ vào nhau rập ràng, đúng nhịp cũng tạo ra âm thanh hấp dẫn làm nền cho câu hò vừa hay, vừa nhộn. Có cái trống cũng không phải chỉ là hiệu lệnh thúc giục động viên người hò mà còn hỗ trợ gỡ bí cho người hò cái. Người ta không nghe được giọng hò mà chỉ nghe tiếng trống chầu, cũng biết được đang hò hay như thế nào. Bởi vì, sau câu hò cái liền có ba tiếng trống chầu, câu hò hay sẽ có sáu tiếng; hay nữa có 9 tiếng, làm cho người hò, người nghe đều thú vị, sảng khoái.

Trường hợp người hò cái bị bạn hò dồn vào thế bí cần có thêm ít thời gian suy nghĩ thì trống chầu xen vào 3 tiếng giữa câu, coi như xóa cái lỡ nhịp làm lại từ đầu. Nhờ trống mà có thêm thời gian được 3-4 nhịp.

Đôi sanh của người chuyên hò, cũng là nhạc cụ hay. Tiếng sanh hòa tiếng vỗ tay, hoặc tiếng chày giã gạo tạo ra sinh khí. Nó đặc biệt lợi hại khi hò đấu trí, hò xấc leo, đuổi nhau, công kích nhau, truy nhau như cuộc đua càng vào giai đoạn càng hấp dẫn. Đến cao trào như vậy, sanh gõ một hồi tức là đã chịu thua bạn. Người cùng giới có mặt tiếp ứng vào, nếu không, tan cuộc, hẹn trả món nợ ấy vào đêm sau.

Hò đấu trí, hò xấc leo, hò ghểnh… là điều hết sức rất độc đáo và thú vị. Chỉ có ở loại hình này mới vừa sáng tác, vừa biểu diễn, sáng tác lại gò vào thời gian của nhịp điệu, nó không có luật định rõ nhưng điều kiện đúng nhịp để ràng buộc rất khắt khe. Bạn hò xướng lên một câu, bất kì đề tài gì, khi người xướng vừa dứt tiếng và hò con kết thúc. Bí quá thì có “trống ngước” nhưng chỉ vài ba nhịp thôi mà người xướng lại nêu liên tiếp, có khi đến hàng chục câu “quyết dồn” đối phương vào giữa “trận đồ bát quái”. nếu không nhanh trí, thông minh lại thua, lại bị chê cười. Hò hát như vậy làm sao mà không cuốn hút, hấp dẫn./.

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT