Non nước Việt Nam

Hát đố đáp giao duyên của người Thái ở Tây Bắc

Cập nhật: 04/11/2011 09:15:40
Số lần đọc: 2058
Với người Thái ở Tây Bắc, hát đố đáp giao duyên được gọi là "so cók so ken". Ðó là những lời hát đố đáp của trai gái người Thái, bao gồm các bài "khắp" - (hát, hò, ngâm...) về thách đố đùa vui, thử trí thông minh...

Hát đố đáp trong Hạn Khuống của người Thái.Với "so cók so ken", lời hát đố đáp không như câu đố thông thường chỉ sự vật, hiện tượng, mà để thử thách đức độ, tài trí của các chàng trai. Thường cô gái sẽ đưa ra những lời thách đố chàng trai phải làm được một điều nào đó. Có điều những lời thách đố đó là những điều bí hiểm, không có trong thực tế, chẳng hạn, cô muốn ăn măng tre mọc trên không trung, muốn ăn măng nứa mọc trên trời cao, hay cô nàng đi đến một nơi nào đó trên cõi thần tiên đố chàng tìm được... Vượt qua thử thách này, người con trai mới được cô gái chấp nhận là bạn, có thể tìm hiểu để tiến tới hôn nhân, xây dựng một gia đình hạnh phúc. Ý nghĩa của "so cók so ken" ẩn chứa nét đẹp của một tập quán đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. "So cók" nghĩa là mới nhú, bắt đầu, tượng trưng cho tuổi thanh xuân, khi tình yêu chớm nụ, những rung động đầu đời, chàng trai ước ao chinh phục được cô gái xinh đẹp nết na. Nhưng đâu có dễ dàng, vì "so ken" nghĩa là ganh đua. Tức là chàng trai nào vượt qua được thử thách, đáng mặt tài trai dẫu có phải lên rừng xuống biển, với bao khó khăn gian khổ mới được cô gái chấp nhận là bạn.

Cô gái hát nhẹ nhàng nhưng khéo léo, lúc là ước muốn của mình, lúc lại khéo léo ý nhị thông qua ý muốn của cha mẹ, bởi vậy thử thách chàng trai phải vượt qua ngày một khó khăn. Cô gái hát: "Anh đối đáp được anh mới đến đây - Anh cầm vợt từ nhà đến chơi... - Anh có đan phên chắn được hang thuồng luồng không? - Anh có dắt bò đi trên dây mây được không? - Anh có dắt trâu đi trên cành đa được không? - Anh có dồn ngựa đi trên mạng nhện được không?... - Bố mẹ em muốn ăn cá ướp thính để mọt - Muốn ăn phổi của trời - Muốn ăn tim cật của trời - Muốn ăn óc nộm với lưỡi của trời - Anh làm được bằng ấy em mới là trái cà ngọt - Em mới là người vợ thương mến bên anh". Cô gái thử thách chàng trai như vậy có phải là những yêu cầu quá khả năng của con người hay không? Hoàn toàn không phải như vậy. Cô gái chỉ muốn người bạn đời tương lai của mình phải là người có đức độ, tài trí vẹn toàn, hiểu được các khó khăn của cuộc sống và biết cách vượt qua. Vì vậy mà thử thách của cô gái ngày một khó khăn: "Bố mẹ em muốn ăn - Chim chích chín nghìn tổ - Chim sẻ chín nghìn tổ - Chim họa mi chín nghìn lồng - Mười tỷ con chim cút - Rất nhiều chim gõ kiến...". Rồi: "Bố mẹ em muốn ăn - Quả dưa hấu mọc trên lưng trâu - Quả dưa bở mọc trên lưng voi lớn...". Những yêu cầu của cô gái ngày càng cao, nhưng lại được thể hiện khéo léo dưới ý muốn của cha mẹ, mà đâu đã hết: "Bố mẹ em muốn ăn - Măng bương mọc lơ lửng trên trời - Măng nứa mọc trên trời - Ăn nấm mọc ở vách đá dựng đứng...".

Trước thử thách ngày một khó khăn, chàng trai vẫn bình tĩnh có những giải pháp thích hợp vượt qua, làm vừa lòng cô gái: "Anh lấy con rắn về liệm - Anh lấy con ngóe về liệm - Lấy vỏ ốc về làm ống dẫn rượu - Lấy đầu con cú mèo về làm nồi nấu canh - Trời sấm sét ban đêm - Ðôi kiếm anh mới sáng lòe... - Anh lấy nộp cho bố đầy đủ - Giao cho mẹ một cách kính trọng - Anh mới xin làm con chim cút cổ cườm - Làm rể thương rể mến bên em". Thoạt nghe lời đáp của chàng trai, tưởng chừng như mâu thuẫn, bởi cách làm của chàng trai tưởng chừng phi lý, nhưng anh vẫn dựa vào khả năng của chính mình "đôi kiếm của anh mới sáng lòe" đầy sức mạnh. Khi những thử thách của cô gái ngày một khó khăn, chàng trai khi dựa vào tài trí của chính mình: "Anh đi dồn chim tận mường Púa - Ði săn chim tận mường người Kinh - Dồn xuống dưới dính lưới anh giăng - Ðuổi lên trên dính bẫy anh đặt - Bay lên trời dính nhựa anh cắm - Anh mới lấy được chim chích chín nghìn tổ - Chim sẻ chín nghìn tổ - Chim họa mi chín nghìn lồng - Chim cút mười tỷ con...". Trước thử thách quá lớn, chàng trai phải nhờ đến sức mạnh đoàn kết của anh em, bè bạn, dẫu có thế anh vẫn là thủ lĩnh đáng bậc tài trai: "Anh lấy con dao bé gỉ người bỏ đi đem bán - Lấy con dao to gỉ người bỏ đi đem buôn - Dao bé được mười lăm lạng vàng - Dao to được hai tư lạng vàng - Anh mới có tiền của vua Hán vua Ngô - Mang đi mua giống dưa hấu tận Tuần Giáo - Mua giống dưa bở tận mường Chai - Anh đi rủ 30 người con ông chú - Cùng 20 người con họ nội - Ði rủ thêm anh em bên ngoại - Cùng nhau chuyển đất lên lưng trâu - Chuyển cát lên lưng voi lớn... - Anh lấy hạt dưa hấu gieo lên lưng trâu - Lấy hạt dưa bở gieo lên lưng voi lớn... - Anh mới lấy được dưa hấu mọc trên lưng trâu - Lấy được dưa bở mọc trên lưng voi lớn - Anh lấy về cho bố vui lòng - Nộp cho mẹ phấn khởi vui rể thảo hiền...".

Lời đáp của chàng trai tỏ rõ quyết tâm và tài trí của chàng, đồng thời vừa ý nhị tỏ tình. Quà tặng của chàng trai cho cô gái khi về nhà chồng, phải chăng cũng như mô-típ "trả công" trong bài ca dao Hôm qua tát nước đầu đình? Chàng trai vượt qua biết bao thử thách, đâu có dễ để chung bếp lửa với người vẫn thương thầm trộm nhớ. Những hình tượng "Chim chích chín nghìn tổ, chim sẻ chín nghìn tổ - Chim họa mi chín nghìn lồng", lại gần gũi với "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" của người Kinh. Phải chăng các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trên con đường đấu tranh tiến tới hạnh phúc đều có tiếng nói chung. Cách nói cường điệu, ẩn dụ đặc trưng của văn hóa Thái được sử dụng làm cho lời đố đáp đầy ẩn ý, không chỉ chuyển tải được những cung bậc của tình yêu, mà còn thể hiện ước mơ khám phá, chinh phục tự nhiên, phấn đấu có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc tự bao đời.

Khi khắp "so cók so ken", người khắp không theo một nhịp điệu rõ rệt, mà mở đầu là hò và nhấn vào vần ở cuối câu, tiếp nối các trường đoạn là tiếng hò ngân nga trầm bổng, đem lại cho "so cók so ken" một sự tự nhiên như hơi thở của mùa xuân và tình yêu trong trắng. "So cók so ken" dành riêng cho các bậc anh chị tài cao về văn học đối đáp. Ngày xưa đã có những cuộc thách đố diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, câu tiếp câu, bài tiếp bài đến bốn, năm ngày không phân thắng bại. Thách đố càng lâu càng hiểu nhau, duyên càng thắm tình càng nồng, lời đối đáp càng nồng nàn đằm lắng. Do đó người Thái Tây Bắc sắp đến tuổi thành niên ai cũng phải tìm cách học thuộc những bài ca để chuẩn bị bước vào những cuộc đố đáp đầy kỳ thú này. Ngày nay, "so cók so ken" được các thế hệ người Thái Tây Bắc truyền khẩu và nâng niu trân trọng, giữ gìn như tinh hoa văn hóa của cha ông. "So cók so ken" có từ bao giờ, người già không nhớ được, chỉ biết rằng từ ngàn xưa, con trai con gái lớn lên đến tuổi yêu là đã biết khắp "so cók so ken" để thử và hiểu lòng nhau. Và giờ đây, mỗi độ xuân về, những tiếng hát đố đáp giao duyên lại ngân rung giữa non ngàn./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT